Chợt ùa về ký ức tuổi thơ
Nói về tiềm năng phát triển du lịch thì Đồng Tháp có nhiều. Nhưng để khai thác thế nào cho hiệu quả đó lại là câu chuyện khác.
Giữa ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã chọn xã cù lao Tân Thuận Đông để xây dựng khu chợ quê với rất nhiều món đồng quê.
Có mặt tại khu chợ này, PV Báo Giao thông ghi nhận sự náo nhiệt của khu chợ. Từ đó, giúp cho xứ cù lao trở nên sôi động với sự tấp nập của người mua, kẻ bán.
Tại đây, không khó để bắt gặp ký ức tuổi thơ với rất nhiều món ăn dân dã, đậm chất miền Tây sông nước như bánh xèo, bánh khọt, bánh bò, bánh đúc, bánh lá mít, chuối nướng, khoai lang nướng, bắp nướng và đặc biệt là món si rô đá bào…
Bà Huỳnh Thị Lợi (59 tuổi), tiểu thương chợ quê Tân Thuận Đông, cho biết, nhà bà có truyền thống làm các loại bánh dân gian, chuối sấy, khoai lang sấy.
Từ khi có khu chợ này, gia đình có dịp bày bán nhiều món hơn, nhờ đó mà thu nhập gia đình cũng trở nên ổn định hơn so với trước.
"Mỗi ngày tôi bán khoảng 70 bọc chuối sấy, khoai lang sấy, trừ chi phí, thu nhập cũng được 200.000 đồng. Già rồi đâu làm gì được ra tiền, thu nhập được vậy là mừng lắm", bà Lợi nói.
Ngồi cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Ba (50 tuổi) cũng bày bán nhiều thứ kiếm được xung quanh nhà như mớ rau muống đồng, bông súng đồng, bông điên điển, đu đủ, ốc các loại, hến và các loại tôm cá tự nhiên.
Bà Ba cho biết: "Ở đây chuyên bán các loại đồ đồng, ai có gì đem ra bán thứ đó. Từ khi có khu chợ này, ở xứ cù lao này trở nên vui vẻ hơn trước.
Giá cả bình dân lắm, thức ăn nhanh như các loại bánh có giá từ 10.000 - 20.000 đồng. Còn các loại đồ đồng như tôi bán ở đây có giá vài ngàn đồng/ký, tùy loại".
Thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngày 3/12/2022, xã cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) triển khai thử nghiệm khai trương tuần đầu phiên chợ cù lao Tân Thuận Đông tại khu vực ấp Tân Phát.
Lúc này có 24 hộ dân tham gia trưng bày và mua bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP, tổ chức giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Thời gian hoạt động từ 10h đến trước 19h, tùy tình hình thực tế sẽ điều chỉnh thời gian và số ngày hoạt động phù hợp.
Tham gia phiên chợ là các thành viên hợp tác xã, hội quán, người dân và doanh nghiệp.
Với sự mới lạ, chân tình, mộc mạc, chợ quê Tân Thuận Đông ngày càng thu hút nhiều người đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm nhiều điều thú vị tại khu chợ này.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (36 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Được người thân giới thiệu mới biết khu chợ quê này.
Khi đến đây cảm thấy mọi thứ rất thú vị, đồ ăn ngon, giá cả bình dân nên rất thích".
"Gia đình tôi rất thích ghé qua khu chợ này vì nó mang đến nhiều điều mới lạ. Sau những ngày làm việc căng thẳng, đến đây thưởng thức các món ăn dân dã, uống ly si rô đá bào và thưởng thức đờn ca tài tử thì còn gì bằng", anh Phan Ngọc Văn (38 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) nói.
Qua hơn 8 tháng hoạt động, từ 24 hộ dân ban đầu, nay chợ quê Tân Thuận Đông có 66 hộ dân tham gia bán hàng.
Từ những nông dân, nay nhiều người dân ở xứ cù lao trở thành tiểu thương với thu nhập ổn định và khu chợ giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
"Đến nay, chợ quê Tân Thuận Đông đón hơn 60.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi, mua sắm, tổng doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng.
Đây chính là tiềm năng, điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ khác tại xã Tân Thuận Đông và một số địa phương khác của thành phố Cao Lãnh.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế như: nhân lực phục vụ, trang trí, việc bố trí các bến bãi đưa rước khách chưa hợp lý, khoa học...
Cần phải sắp xếp, tổ chức lại", bà Lê Thị Mai Trinh, Phó chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận