Thời sự Quốc tế

Biên tập viên WikiLeaks: Công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục

12/04/2019, 09:57
image

Dư luận thế giới đang có những ý kiến trái chiều xoay quanh vụ cảnh sát London bắt giữ ông chủ WikiLeaks Julian Assange ngày 11/4.

img
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange trên xe

Cảnh sát Anh đã bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks tại Đại sứ quán Ecuador ở London sau khi chính phủ Ecuador ngừng cấp cơ chế tị nạn cho ông Assange sau gần 7 năm.

Những người ủng hộ WikiLeaks, bao gồm biên tập viên Kristinn Hrafnsson và luật sư của ông Assange, Jennifer Robinson, cho rằng, việc truy tố và đàn áp ông chủ WikiLeaks nhằm bịt miệng những người khác muốn lên tiếng chống lại sự lạm quyền.

“Đây là một tiền lệ cho thấy sẽ có hậu quả cho bất kỳ nhà báo hoặc tổ chức truyền thông nào trên thế giới đều có thể bị dẫn độ và truy tố vì đã công bố thông tin trung thực về Hoa Kỳ”, bà Robinson nói với hãng tin RT.

Luật sư Robinson cũng khẳng định, nhóm của bà sẽ đấu tranh tới cùng.

img
Biên tập viên Kristinn Hrafnsson (ngoài cùng bên phải) và luật sư của ông Assange, bà Jennifer Robinson

Đồng ý với quan điểm này, ông Hrafnsson nói với báo giới: “Thông điệp không dành cho Julian Assange. Thông điệp gửi đến các nhà báo trên toàn thế giới rằng họ không nên bước theo cách của một siêu cường muốn có tất cả quyền lực”.

Biên tập viên Hrafnsson còn khẳng định “công việc của Wikileaks sẽ tiếp tục”.

Về phía chính quyền London, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Ecuador Lenin Moreno về quyết định chấm dứt quy chế tị nạn cho ông Assange.

Ông Hunt viết trên Twitter khẳng định quan điểm của chính phủ Anh rằng: “Không ai được phép đứng trên pháp luật.

Bên cạnh đó, bình luận với Sky News, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan nói rằng: “Đây là chính sách chung của Anh cho tất cả các trường hợp, do vậy nó cũng được áp dụng với Julian Assange, ông ấy sẽ không bị dẫn độ đến quốc gia nào mà phải chịu án tử hình”.

Phản ứng trước thông tin chủ nhân WikiLeaks bị bắt giữ, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ theo dõi sát vụ việc.

Trong khi đó, cơ quan công tố Thụy Điển cho biết họ cân nhắc mở lại cuộc điều tra nhằm vào ông Assange trước các cáo buộc tấn công tình dục.

Từ Canberra, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, chính phủ nước này sẽ tìm cách tiếp cận lãnh sự quán với Assange, một công dân của Australia.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đưa ra thông cáo cáo buộc Julian Assange thông đồng với người cung cấp thông tin Chelsea Manning xâm nhập vào máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ để truy cập thông tin mật, gây ra vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ năm 2010.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga hy vọng chủ nhân WikiLeaks vẫn được đảm bảo các quyền nhất định sau khi bị bắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.