Hơn 4 năm qua, trên các tuyến đường huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) in đậm dấu chân của hơn 20 thành viên Tổ dặm vá cầu đường xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
Ở đâu đường hư hỏng, là nơi đó có mặt các chú, các anh đến lấp, vá, sửa chữa các đoạn đường, đem lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Tranh thủ ngày nắng, các thành viên trong tổ mang "đồ nghề" đến dặm vá, khắc phục những đoạn đường hư hỏng. Ảnh Kiều Trinh
Biệt đội “săn” ổ gà
Tổ dặm vá đường do ông Lương Khánh Vân (55 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh Đông) thành lập vào năm 2019. Họ chủ yếu là những lão nông, công chức, người lao động chân lấm, tay bùn.
“Thấy nhiều tuyến đường trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn cho việc lưu thông của bà con, đôi khi còn xảy ra tai nạn.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ va chạm. Có khi là do bà con tự ngã, cũng có khi là do va quệt, do tránh "ổ voi", "ổ gà". Vì thế, mà tôi đã nghĩ đến chuyện dặm vá đường, giúp đỡ bà con đi lại dễ dàng, thuận tiện, an toàn hơn”, ông Vân tâm sự.
Ngày đầu thành lập, tổ chỉ có vài thành viên. Dần dà, nhận thấy việc của ông Vân cùng các “đồng đội” mang nhiều ý nghĩa, nên nhiều người đã ủng hộ và tìm đến đồng hành cùng với ông Vân làm công việc thiện nguyện này. Đến nay, tổ đã có khoảng 28 thành viên tham gia.
“Nơi nào đường bị xuống cấp hoặc hư hỏng khi anh em tụi tui phát hiện hoặc được chính quyền địa phương nơi đó liên hệ nhờ sửa chữa là mọi người trong tổ tranh thủ làm ngay. Để kéo dài ngày nào, trong lòng không yên ngày ấy”, ông Vân bộc bạch.
Hễ thấy đường trong huyện xuất hiện "ổ voi", "ổ gà", cản trở việc đi lại của người dân là Tổ dặm vá đường tự đóng góp tiền của. Rồi họ hẹn ngày và huy động lực lượng mang cuốc xẻng, thùng tưới nhựa, xe lu lèn đến xử lý ngay, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Công trường nhộn nhịp hối hả với sự góp mặt của hàng chục lão nông, thanh niên. Tùy vào tuổi tác, sức khỏe, mỗi người được phân công công việc một cách hợp lý, trẻ làm việc nặng, lớn tuổi thì làm công việc nhẹ nhàng hơn.
Làm xong nơi này, họ di chuyển đến nơi khác mà không nhận bất cứ một khoản thù lao nào.
“Anh em rất vui khi được đem công sức của mình đóng góp cho xã hội. Tất cả làm đều trên tinh thần tự nguyện, ai có công góp công, ai có của góp của”, ông Vân hồ hởi.
Tùy vào độ tuổi, sức khỏe, mỗi thành viên trong tổ được phân công công việc phù hợp. Ảnh: Kiều Trinh
Chữa lành những cung đường
Cứ thế, suốt hơn 4 năm qua, những “kỹ sư chân đất” đã dặm vá hơn 20 km đường trong toàn huyện với tổng kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng.
Ý nghĩa hơn khi mới đây tổ đã thi công láng nhựa tuyến đường liên ấp Bình Trung 2 và Bình Quới 1, với chiều dài 800m. Tổng chi phí xây dựng trên 300 triệu đồng. Số tiền này, là do các thành viên trong tổ đóng góp và vận động từ các mạnh thường quân.
“Đoạn đường hoàn thành người dân chúng tôi rất phấn khởi vì đi lại thuận tiện. Trước đây, đoạn đường này là đường đất, giao thông đi lại khó khăn lắm.
Không ai nghĩ hôm nay lại có một con đường láng nhựa, chắc chắn như thế này. Nói chung bà con là rất vui”, ông Nguyễn Văn Đàng (người dân ngụ xã Bình Thạnh Đông) chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bình Thạnh Đông cho biết, việc làm của Tổ dặm vá cầu đường không chỉ góp phần cùng địa phương hạn chế tình trạng xuống cấp của các công trình giao thông nông thôn, mà còn góp phần mang lại sự bình an cho bà con khi tham gia giao thông cả 2 mùa mưa, nắng.
Nghĩa cử của các chú, các anh còn tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông nông thôn, tạo diện mạo Nông thôn mới.
“Các chú đã tham gia nhiều năm nay với nguồn kinh phí xã hội hóa trên 500 triệu đồng, thực hiện dặm vá đường đảm bảo lưu thông cho bà con và đảm bảo mỹ quan trên địa bàn xã.
Ngoài việc thực hiện dặm vá đường ở địa phương thì các chú, các anh còn hỗ trợ các xã lân cận như: Phú Bình, Tân Hòa, Phú Thọ, Hiệp Xương…”, ông Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận