Bài hát Cô gái mở đường ra đời năm 1966, khi cố nhạc sỹ Xuân Giao đi thực tế trên tuyến giao thông tại vùng Quảng Bình - Quảng Trị.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ gian nan, khốc liệt, trên đường đi thực tế sáng tác ở cung đường khói lửa Trường Sơn, nhạc sĩ Xuân Giao đã chứng kiến cảnh những cô giao liên chỉ độ 16, đôi mươi, trong đêm tối vẫn thoăn thoắt băng rừng dẫn lối cho các đoàn bộ đội. Gian khổ, vất vả là thế nhưng các cô vẫn vui tươi, lạc quan. Những hình ảnh đó đã ám ảnh nhạc sĩ Xuân Giao để rồi những giai điệu rộn ràng của Cô gái mở đường với Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn/ Bàn tay em phá đá mở đường (...)/ Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng/ Em vẫn mở đường để xe tiến bước”.
Đây được xem là một trong những khúc ca hay nhất viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Ca khúc thường được thể hiện trong những dịp kỷ niệm, gặp gỡ của thanh niên xung phong. Không ít những cô gái “tóc xanh, tuổi trăng tròn” ngày ấy đã hy sinh, những người còn sống tóc cũng đã điểm bạc. Họ thường ngồi với nhau, hát cho nhau nghe bài hát để nhớ về một thời đầy ắp kỷ niệm Cô gái mở đường. Nửa thế kỷ qua, bài hát này được coi như người bạn đồng hành của các nam, nữ thanh niên xung phong.
Với thế hệ trẻ, Cô gái mở đường giúp họ được sống trong không khí của một giai đoạn lịch sử mà bà, mẹ họ đã đi qua, để tự hào và tiếp thêm nhiệt huyết sống của tuổi thanh xuân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận