Ngày 4/7, UBND tỉnh Bình Định cho biết, vừa ban hành văn bản yêu cầu triển khai thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy về dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn và các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.
Theo đó, đối với dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh đơn giá chính sách bồi thường (nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu...) hợp lý, đền bù thỏa đáng cho người dân, đảm bảo cho người dân xây dựng nơi ở mới không thấp hơn hiện trạng.
Chủ đầu tư cắm mốc GPMB cao tốc đoạn qua Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định
Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các Chủ đầu tư rà soát các mỏ vật liệu, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung khi xuất hiện bất cập, phát sinh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu khi thi công.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan khẩn trương rà soát, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2022 theo đúng quy định.
Sở GTVT tổng hợp tình hình triển khai dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 hàng tháng để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản chấp thuận mỏ vật liệu, bãi thải phục vụ dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn.
Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện nay, 8/8 địa phương có liên quan của tỉnh đã hoàn thành việc rà soát xác định vị trí, quy mô bãi đổ thải vật liệu phục vụ dự án với 23 vị trí, diện tích khoảng 61,07ha và đã được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương.
Hiện nay, công tác cắm cọc GPMB cao tốc qua Bình Định đã đảm bảo tiến độ
Cụ thể, Hoài Nhơn 6 vị trí, diện tích 13,06ha; Phù Mỹ 2 vị trí, diện tích 8ha; Phù Cát 2 vị trí, diện tích 2,92ha; An Nhơn 1 vị trí, diện tích 0,77ha; Quy Nhơn 1 vị trí, diện tích 2,3ha; Hoài Ân 4 vị trí, diện tích 8,2ha; Tây Sơn 4 vị trí, diện tích 9,8ha.
Riêng 3 vị trí bãi thải trên địa bàn Tuy Phước (2 vị trí) và Quy Nhơn (1 vị trí), UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án 85 phối hợp các địa phương tổ chức lấy ý kiến thống nhất cộng đồng dân cư để đề xuất UBND tỉnh xem xét chấp thuận.
Tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công theo yêu cầu của các chủ đầu tư là 13,66 triệu m3 đất san lấp; 1,739 triệu m3 cát xây dựng; 2,95 triệu m3 đá xây dựng.
Sau khi có kết quả khảo sát đánh giá về trữ lượng vật liệu, UBND tỉnh Bình Định thống nhất về chủ trương phục vụ dự án. Cụ thể, đối với dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, có 5 mỏ đất đắp với trữ lượng khoảng 9,4 triệu m3; 2 nguồn cung vật liệu với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3; 4 nguồn cung vật liệu với trữ lượng khoảng 6,7 triệu m3.
Đối với dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, có 14 mỏ đất với trữ lượng khoảng 9,04 triệu m3; 15 mỏ cát với trữ lượng khoảng 1,68 triệu m3; 8 mỏ đá với trữ lượng khoảng 21 triệu m3.
Đối với dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, có 2 mỏ đất với trữ lượng khoảng 5,29 triệu m3; 13 mỏ với trữ lượng khoảng 19,4 triệu m3; 10 mỏ với trữ lượng khoảng 1,2 triệu m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận