Xã hội

Bình Định: Sẽ xử nghiêm doanh nghiệp "cạo trọc” núi lấy đất san lấp

05/07/2023, 12:40

UBND thị xã Hoài Nhơn lập đoàn kiểm tra, xử phạt đối với các đơn vị khai thác mỏ đất chưa đầy đủ thủ tục pháp lý mà Báo Giao thông phản ánh.

Ngày 1/7, Báo Giao thông đăng bài "Chưa được cấp phép, doanh nghiệp đã “cạo trọc” núi lấy đất san lấp", phản ánh việc nhiều doanh nghiệp đưa máy móc vào khai thác đất đồi núi ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) để đưa đi san lấp khi chưa được cấp phép.

Sau thời gian dài bị khai thác, khu vực đồi núi thuộc phường Hoài Thanh Tây bị cạo trọc, với nhiều hố sâu. Hàng trăm nghìn khối đất đá đã bị lấy đi.

Ngày 4/7, trao đổi với PV, ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết, tiếp nhận phản ánh của Báo Giao thông, thị xã đã chỉ đạo các đơn vị chức năng dừng toàn bộ hoạt động khai thác đất tại đây.

Đồng thời lập đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ thủ tục pháp lý, hoạt động khai thác vận chuyển vật liệu san lấp các khu tái định cư trên địa bàn.

img

Các đơn vị đã dừng khai thác đất tại phường Hoài Thanh Tây sau phản ánh của Báo Giao thông.

Theo ông Thanh, trong các dự án tái định cư, dự án Khu tái định cư ở phường Hoài Hảo là một trong những khu tái định cư phục vụ GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hoài Nhơn.

Cuối tháng 6/2023 vừa qua, Hoài Nhơn là địa phương tiên phong của Bình Định cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng cho cao tốc. Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của thị xã.

Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có chiều dài cao tốc đi qua thuộc diện dài nhất của tỉnh Bình Định kéo theo số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng, GPMB cũng rất lớn.

Do đó, thị xã đã tập trung đồng bộ các giải pháp, đồng thời khẩn trương xây dựng các khu tái định cư để người dân sớm có điều kiện đến nơi ở mới, bàn giao nhà cửa, mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tuy nhiên, việc xây dựng các khu tái định cư gặp áp lực lớn khi khan hiếm nguồn vật liệu san lấp. Trước thời điểm triển khai khu tái định cư, trên địa bàn thị xã chưa có mỏ đất nào được phê duyệt. Dù đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng với quy trình, quy định hiện hành, các mỏ mất trung bình hơn 1 -2 năm mới có thể hoàn chỉnh cấp phép.

Trong khi đó, mỏ vật liệu san lấp khu tái định cư phục vụ GPMB cao tốc không được áp dụng cơ chế đặc thù như thi công cao tốc nên không thể rút ngắn thời gian, quy trình, hay chỉ định cấp phép mỏ...

"Thị xã đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu các đơn vị dừng hoàn toàn việc khai thác đất tại đây đến khi giấy phép được hoàn thiện. Đồng thời, lập hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính về khai thác khoáng sản khi chưa đầy đủ thủ tục.

Áp lực tiến độ nhưng không thể làm trái, vi phạm quy định được. Sai đến đâu, địa phương xử lý đến đó", ông Tuấn khẳng định.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, hiện nay, tại thị xã Hoài Nhơn nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất, đá...) phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam và các khu tái định cư cho cao tốc Bắc - Nam rất lớn.

Các đơn vị trúng thầu thi công các khu tái định cư về cơ bản đang triển khai lập thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện theo quy định.

Nguyên nhân là thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu cho khu tái định cư không được áp dụng cơ chế đặc thù. Vì vậy, các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để hoàn thành các hồ sơ, bồi thường GPMB, chuyển mục đích rừng, thuê đất.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, Sở đã chỉ đạo Phòng TN&MT, thị xã Hoài Nhơn phối hợp các đơn vị chức năng, Ban QLDA Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn đôn đốc các đơn vị lập hồ sơ cấp phép khoáng sản sau khi được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban QLDA 2 (Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án cao tốc thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) cho biết, Ban phối hợp với các địa phương Quảng Ngãi, Bình Định để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Riêng đoạn dự án qua Bình Định dài hơn 27km, đã được bàn giao mặt bằng hơn 22km, đạt hơn 81%.

Việc các địa phương như thị xã Hoài Nhơn cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng đã tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công. Áp lực lớn nhất là công tác nguồn vật liệu, khan hiếm đất, cát san lấp.

Thời gian qua, Bộ GTVT, Ban QLDA kiểm tra, làm việc với các địa phương để tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện các khu tái định cư (phục vụ dự án cao tốc) không được áp dụng cơ chế đặc thù về triển khai mỏ vật liệu.

"Tái định cư chậm sẽ dẫn đến GPMB, bàn giao chậm. Ban kiến nghị có sự vào cuộc tháo gỡ đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ dự án nói chung từ GPMB, tái định cư, nguồn vật liệu...", vị này cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.