Nỗ lực thực hiện các gói thầu
Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM (giai đoạn 1) được UBND tỉnh Bình Dương giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư hai dự án thành phần 5 và 6. Đối với dự án thành phần 5: Xây dựng đường Vành đai 3 bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi; Dự án thành phần 6: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM
Cụ thể, dự án thành phần 5 được chia làm 4 gói thầu (Gói 1: Xây dựng Nút giao Tân Vạn; Gói 2: Xây dựng nút giao Bình Chuẩn; Gói 3: Xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến Sông Sài Gòn; Gói 4: Xây dựng cầu Bình Gởi). Đến nay, Ban Giao thông đã hoàn thiện công tác đấu thầu, tổ chức khởi công gói thầu số 4 và gói thầu số 2.
Đối với hai gói thầu còn lại, lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương cho biết, đang được khẩn trương thực hiện công tác khảo sát, thiết kế và trình Bộ GTVT thẩm định theo quy định. Gói thầu số 3 đã trình Bộ GTVT thẩm định ngày 18/7; Gói thầu số 1 hiện đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự kiến phấn đấu hoàn thành thiết kế kỹ thuật - dự toán trong tháng 8 để tổ chức đấu thầu và phấn đấu động thổ trong tháng 9 - 10/2023.
Riêng dự án thành phần 6, công tác GPMB đã được UBND tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường và đang đẩy nhanh giải quyết để có mặt bằng thi công. Diện tích mặt bằng xây dựng hiện nay (tính trên tỉ lệ diện tích từng gói): Gói thầu số 1 đã có 68%; Gói thầu số 2 đã có 80%; Gói thầu số 3 đã có 16%; Gói thầu số 4 đã có 67%.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện chi trả với tổng số tiền 1.865,582 tỷ đồng/tổng số 2.548,258 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Tìm giải pháp giảm tải cho đường Mỹ Phước - Tân Vạn
Theo Sở GTVT Bình Dương, khi dự án đường Vành đai 3 hoàn thành (dự kiến trong năm 2025) sẽ gia tăng lưu lượng xe rất lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Trong khi đó, dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến tháng 7/2024 mới hoàn thành đấu thầu quốc tế lựa chọn tư vấn thiết kế, dự kiến khởi công cuối năm 2025, hoàn thành năm 2027 - 2028. Do đó, sẽ tạo áp lực giao thông lớn lên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, cụ thể là nguy cơ ách tắc giao thông trên toàn tuyến.
Người dân thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) nhận tiền hỗ trợ đền bù GPMB.
Bên cạnh đó, dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2027, sẽ đưa lưu lượng xe rất lớn về nút giao giữa đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn) với đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Để thuận lợi trong việc tổ chức giao thông và khả năng thi công trong giai đoạn tiếp theo, Ban Giao thông tỉnh đề xuất đầu tư hoàn chỉnh 3 nhánh cầu vượt còn lại của nút giao Tân Vạn thuộc gói thầu số 1 (bởi theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 chỉ đầu tư 2/5 nhánh cầu vượt nút giao); đồng thời, đầu tư bổ sung hạng mục cầu song hành cho cầu Bình Gởi thuộc gói thầu số 4...
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh giao Ban Giao thông khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát, thiết kế hai gói thầu còn lại của dự án thành phần 5 để sớm thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Phấn đấu hoàn thành và khởi công trong tháng 10/2023.
Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT xem xét hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh công tác thẩm định bước thiết kế kỹ thuật - dự toán của hai gói thầu còn lại để đảm bảo khởi công các gói thầu này theo kế hoạch (trong tháng 9 - 10 năm 2023).
Chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng giao Ban Giao thông tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc tiến độ chi trả bồi thường các trường hợp bị ảnh hưởng giải tỏa còn lại. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm Phát triển quỹ đất, địa phương giải quyết các vướng mắc, phát sinh liên quan đến công tác đền bù. UBND các thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An khẩn trương, hoàn thành các thủ tục chi trả tiền bồi thường nhằm đảm bảo sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thực hiện...
Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,3km đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuyến đường được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km, điểm đầu tuyến là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi. Quy mô đầu tư 8 làn xe với tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng.
Trong đó, dự án thành phần 5 (xây lắp) là 5.752 tỷ đồng, dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 13.528 tỷ đồng. Dự kiến, đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận