Đầu tư công đến cuối năm sẽ giải ngân cao
Đối với đầu tư công, ngày từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức ký kết giao ước và phát động phong trào thi đua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên đến nay, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 5.021 tỷ đồng, đạt 22,8% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 31,4% kế hoạch) và đạt 32,9% kế hoạch Thủ tướng giao.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về giải pháp và dự kiến tổng mức giải ngân đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2024, ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, dù đầu đầu tư công đến thời điểm này vẫn đang ở mức thấp nhưng địa phương có cơ sở để tin rằng, đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân nhất đạt từ 94% trở lên.
"Đi đôi với việc thúc đẩy nhanh công tác đền bù GPMB thì sẽ giải ngân các công trình trọng điểm như Vành đai 3; cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơ Thành; Vành đai 4…
Hiện nay, tiến độ thi công đường Vành đai 3, thủ tục đầu tư Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành được khẩn trương thực hiện. Các dự án Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành dự kiến tháng 9 có thể giải ngân", ông Tuấn nói.
Liên quan đến câu hỏi về việc TP Dĩ An cấm đường gây bức xúc trong dư luận mà thời gian qua, Báo Giao thông có nhiều bài phản ánh, ông Võ Anh Tuấn nêu quan điểm, thay đổi với mong muốn việc đi lại thuận lợi hơn và an toàn giao thông.
"Thay đổi là phải tốt hơn mới làm. Còn khi đã cấm đường nhưng các xe vẫn chạy, tỉnh sẽ trao đổi với TP Dĩ An để thực thi pháp luật được nghiêm minh", ông Tuấn nói.
Tổng sản phẩm tăng gần 6,2%
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Bộ ngành trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 3,55%); trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 5,81%; dịch vụ tăng 7,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi, tuy nhiên ngành công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển còn ở mức cao, thị trường xuất khẩu nhiều cạnh tranh… đã tác động đến chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023.
Các khu công nghiệp đã cho thuê 79,22 ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài 944 triệu đô la Mỹ (chiếm 88,64% cả tỉnh).
Bình Dương đã tổ chức động thổ xây dựng cụm công nghiệp An Lập (75ha); đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp cơ khí, khu công nghệ thông tin tập trung... phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Về thương mại - dịch vụ, địa phương này đã thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2024; triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 195 ngàn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là vàng và xăng dầu; tăng cường các biện pháp kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,6%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 68.949 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận