Xã hội

Bình Dương sau chặng đường 1/4 thế kỷ, những thành tựu và triển vọng

16/04/2022, 18:14

Từ một tỉnh thuần nông, sau 25 năm, Bình Dương trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp thuộc hàng tốt nhất trong khu vực và cả nước.

Ngày 16/4, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”, dự kiến sẽ diễn ra 2 ngày 19 - 20/4/2022 tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương.

img

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương phát biểu tại buổi họp báo

Thông tin tại buổi họp báo, Ban tổ chức hội thảo cho biết, nhân dịp 25 năm tỉnh Bình Dương được chia tách từ tỉnh Sông Bé (1997-2022), Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - khoa học quan trọng của tỉnh Bình Dương năm 2022.

Thông qua hội thảo để khẳng định và tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tiếp nối xứng đáng những nền tảng, thành tựu của tỉnh Sông Bé. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đặc biệt, qua hội thảo, làm rõ tính chủ động, quyết tâm chính trị và sự linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cụ thể hóa thành những chủ trương, cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của Bình Dương, nhận diện những ưu điểm, hạn chế cùng với những cơ hội, thách thức, đề xuất những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Ban tổ chức, hội thảo đã nhận được 175 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Hội thảo sẽ xoay quanh 4 nhóm chuyên đề chính, gồm: “Xây dựng hệ thống chính trị và các bài học kinh nghiệp trong lãnh đạo, điều hành”; “Kinh tế - Phát triển đô thị”; “Con người - Văn hóa - Xã hội”; ‘Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại”. Trong đó, tập trung đánh giá thành tựu, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; những vấn đề đặt ra và những đề xuất, khuyến nghị, giải pháp để tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Hội thảo dự kiến sẽ có sự tham gia của Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Hội Đồng Lý luận Trung ương, cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; đại diện lãnh đạo các địa phương nước ngoài có ký kết chương trình hợp tác với Bình Dương, các tổ chức quốc tế Bình Dương là thành viên; đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài ở Việt Nam; đại diện các viện, trường đại học, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…

Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo, Tỉnh ủy và UBND Bình Dương sẽ tổ chức Lễ công bố Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương và tổ chức lễ ký kết biên bản phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, hội thảo nhằm làm rõ tính chủ động, quyết tâm chính trị và sự linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước để cụ thể hóa thành những chủ trương, cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh; nhận diện những ưu điểm, hạn chế cùng với những cơ hội, thách thức, đề xuất những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Những thành tựu đạt được của Bình Dương hôm nay là sự kế thừa, phát huy, tỉnh tri ân những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Hội thảo lần này cũng là dịp để Bình Dương mời gọi các chuyên gia, các nhà khoa học góp ý tham gia đóng góp bằng những ý kiến, tham luận nhằm tổng hợp, có những kiến nghị về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát triển cao hơn. Bình Dương không chỉ phát triển cho Bình Dương mà là trung tâm động lực của vùng và liên kết vùng…

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần TP.HCM, phía Nam giáp TP.HCM và một phần tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm 0,83% diện tích cả nước, 12% diện tích vùng Đông Nam bộ); dân số trung bình năm 2021 là 2.685.513 người, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 152,25 triệu đồng; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã.

Thực hiện Nghị quyết ngày 06/11/1996 của Quốc hội về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Bình Dương chính thức được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã chuyển mình từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp thuộc hàng tốt nhất trong khu vực và cả nước.

Khi mới tái lập tỉnh năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng với tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lần lượt chiếm tỷ lệ 22,8% - 50,4% - 26,8%. Trong quá trình hình thành và phát triển, với việc thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành các khu công nghiệp đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển.

Đến cuối năm 2021, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã dịch chuyển theo đúng định hướng với tỷ trọng ngành nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là 3,1% - 67,9% - 21,3% - 7,7%; quy mô kinh tế đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997 , trong đó, khu vực nông nghiệp tăng gấp 14,2 lần, công nghiệp tăng 140,6 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh giai đoạn 1997 – 2021 đạt 10,86%/năm.

Nếu như năm 1997, Bình Dương chỉ có 6 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch 800ha thì tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã thành lập được 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 12.662,81 ha; trong đó, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962,81 ha, các khu công nghiệp đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.695,13 ha, tỷ lệ lấp đầy 88,13%.

Cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp.

Mô hình phát triển của Bình Dương trở thành một mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam và đã được lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước thông qua các doanh nghiệp đầu tầu của tỉnh. Những khu công nghiệp do Bình Dương đầu tư luôn đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh.

Trong những năm trở lại đây, bằng nhiều nỗ lực, Bình Dương đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Là một trong 4 tỉnh thành trong Vùng điều tiết về ngân sách trung ương, Bình Dương cùng TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đóng góp hơn 91,7% tổng thu ngân sách của vùng và 37% tổng thu ngân sách cả nước.

Về hạ tầng giao thông, hiện Bình Dương đang phối hợp với các tỉnh trong vùng triển khai nhiều dự án như: khép kín đường Vành Đai 3, 4 TP.HCM đoạn đi qua tỉnh Bình Dương, Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Cầu Tây Ninh nối huyện Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), Cầu Bạch Đằng 2 nối huyện Tân Uyên với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai)...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.