Không đầu hàng số phận, những người phụ nữ góa chồng tiếp tục bươn chải nuôi con cái ăn học nên người |
Cách đây 10 năm, siêu bão Chanchu đã cướp đi của dân làng 87 người đàn ông, thanh niên là ngư dân đi câu mực trên những chiếc tàu có công suất lớn ngoài khơi. Ngày đó dân làng Bình Minh khóc hết nước mắt. Có người một lúc mất đi 3 người thân. Không nỗi đau nào kể xiết. Sau 10 năm, làng “Chanchu” ngày ấy giờ đang vượt lên những khó khăn, cơ cực để hồi sinh, kỳ vọng vào một bình minh tươi sáng mới.
Phận đời sau giông bão
Xế chiều, trong căn nhà cấp 4 nằm tít sâu trong con đường bê tông nhỏ, chị Hoàng Thị Nguyệt (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) bận rộn với mớ dưa cải muối. “Buổi chiều chợ vắng, tranh thủ muối ít dưa bán ngày tiếp theo kiếm thêm vài đồng”, chị Nguyệt đưa tay quệt mồ hôi thấm trên khuôn mặt, bộc bạch. Đôi bàn tay như thêm vết chai sạn trước những cơ cực cuộc đời. Thoáng nhìn tấm di ảnh trên bàn thờ vẫn đang tỏa khói hương, chị Nguyệt buồn rầu: “Sinh nghề tử nghiệp, ổng gặp nạn giữa trận siêu bão Chanchu, bỏ lại mẹ già cùng 6 con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi lớn”.
Bão Chanchu (bão số 1) đổ bộ vào Việt Nam tháng 5/2006 đi qua vùng biển ngoài khơi xa. Dù không hoành hành ven bờ nhưng siêu bão này đã đem đến tang thương cho hàng trăm gia đình ngư dân ở các tỉnh miền Trung với 265 người chết và mất tích, hàng chục tàu đánh cá xa bờ bị phá hủy và nhấn chìm. Riêng xã Bình Minh có 87 người chết. |
Chị kể, chồng chị vốn là ngư dân dạn dày sương gió, kinh nghiệm biển cả nhưng hải trình trên con tàu định mệnh ra khơi đánh bắt cùng các bạn tàu trong làng khiến anh mãi mãi không quay trở về vì lạc ngay vùng tâm bão. 10 năm, nén nỗi tiếc thương chồng, chị Nguyệt một mình gánh vác cả gia đình. Mỗi ngày, cứ 2h sáng chị lại lên chợ Được (xã Bình Triều) lấy rau về chợ Bình Tịnh bán lại. Những ngày biển lặng, chị vừa buôn rau vừa tranh thủ đến nhà các ngư dân vừa đi biển lấy cá về bán. Gánh rau cá quàng nặng trên vai chị, nhọc nhằn suốt những tháng năm. Ngơ đi ngoảnh lại, 6 đứa con thơ dại ngày nào giờ ăn học nên người.
Chị Nguyệt khoe, hai đứa con đầu đỗ đại học, cao đẳng vừa tốt nghiệp và có công việc khá ổn định. Con gái thứ 3 cũng vừa đỗ một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng. Còn lại 3 cháu nhỏ chăm ngoan, học khá giỏi trở lên. “Vất vả mấy tôi cũng cam lòng. Nhìn các con thiệt thòi vì không có bóng dáng người cha để nương tựa, tôi càng dặn mình phải quyết tâm lo cho các cháu ăn học thành người. 2 cháu lớn giờ đi làm rồi nên cũng phụ giúp được tôi chăm lo cho các em. Ổng sống khôn chết thiêng chắc đang phù hộ cho cả gia đình”, chị Nguyệt chia sẻ. Sâu trong ánh mắt chị là sự kiên cường, rắn rỏi. Người đàn bà vùng biển không dễ gục ngã sau những giông bão cuộc đời.
Buổi chiều chợ vắng chị Nguyệt lại tranh thủ làm thêm dưa muối bán buổi chợ tiếp theo |
Nén nỗi đau thương
Đi dọc thôn Bình Tịnh, hỏi bà Nguyễn Thị Hoa chẳng mấy ai không biết. Bà Hoa là điển hình của những điển hình tang thương trong cơn bão thảm khốc Chanchu ngày ấy. Trên bàn thờ, ba bức di ảnh như chứng tích nỗi đau mất mát. Ngày 16/5/2006, bà đang loay hoay phía sau nhà bỗng nghe người dân trong thôn báo là chồng và hai con trai của bà bị bão Chanchu nhấn chìm ngoài biển khơi. Lúc đó hai chân bà khuỵu xuống, đầu óc quay cuồng, phải mất vài phút sau mới bình tĩnh lại để gào khóc kêu được tiếng chồng, tiếng con... ”Tôi đang dọn dẹp sau vườn nghe mọi người chạy la khóc khắp xóm nói là bão Chanchu giết sạch ngư dân xã Bình Minh đang câu mực ngoài biển khơi. Tôi nghe vậy là trời đất như sập xuống đầu mình vậy. Bốn mẹ con tôi chỉ biết khóc và gào thét trong tuyệt vọng thôi”, bà sụt sùi nhớ lại.
Chồng và hai con trai bà Hoa mãi mãi không trở lại trong chuyến đi biển gặp bão Chanchu. Một gia đình đang yên ấm bỗng chốc lạc vào vòng xoáy thiên tai tưởng chừng gục ngã. Hình ảnh bà Hoa gào khóc trước biển, đau đáu tìm lại xác người thân vốn trở nên ám ảnh. Sau cơn bão, bà chỉ nhận được xác chồng. Nấm “mộ gió” trong nghĩa trang thôn là chốn tưởng nhớ cho hai con trai bà.
Mất những trụ cột gia đình, nhà bà Hoa chỉ còn ba người phụ nữ sống nương tựa nhau. Ngày ấy, con gái út của bà mới 15 tuổi. Ai cũng ái ngại cho những phận đời héo hon trước bão tố thiên tai. Mỗi ngày, bà đều âm thầm nén lại nỗi đau mất mát, gắng gượng với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Bà Hoa ra chợ Bình Tịnh buôn bán rau mắm nuôi con. Đến nay, khi các con gái đều đã yên bề gia thất, bà Hoa về mở quán bán mỳ, bún buổi sáng, buổi chiều ở nhà chăm cháu ngoại. “Không ai có thể sống mãi với quá khứ đau thương được, giờ vui vầy với con cháu là hạnh phúc tuổi xế chiều của tôi rồi”, bà Hoa nói.
Hồi sinh, vươn ra “biển lớn”
Về “làng Chanchu” bây giờ, những con đường bê tông, láng nhựa, không ít ngôi nhà cao tầng được xây dựng thay đổi bộ mặt làng quê… Mỗi ngày, anh Trần Công Vương (Bình Minh) tất bật kinh doanh quán cà phê thuộc diện lớn nhất vùng. Mùa biển động, cánh bạn thuyền lại tụ tập, bàn tán về công nghệ đánh bắt cá mới, vùng biển khai thác. Hàng loạt ngư dân may mắn thoát chết trong trận bão khủng khiếp ngày ấy tưởng chừng ám ảnh, bỏ biển, giờ vẫn tiếp tục gắn bó với nghề. Thay cho các con tàu công suất nhỏ, ngư dân “làng chài Chanchu” hùn vốn, góp tiền đóng hàng loạt tàu công suất lớn, đảm bảo an toàn. “Có tàu lớn đánh bắt dễ dàng hơn và đặc biệt không lo chuyện bão tố, thiên tai nữa”, anh Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi), một chủ tàu công suất 450CV trong làng nói.
“Các hộ dân làng Chanchu là hiện thân cho ý chí vươn lên nghịch cảnh, số phận. Thiên tai, bão tố tưởng chừng tàn phá quê nghèo giờ đang được thay da đổi thịt. Những người phụ nữ góa chồng tự mình bươn chải nuôi con cái ăn học. Cánh đàn ông phần lớn tìm cách xuất ngoại làm kinh tế. Đến nay “làng Chanchu” có cả triệu phú, tỷ phú, âu cũng phần nào xua đi bớt những nỗi đau xé lòng tưởng chừng như không bao giờ có thể vượt qua nổi”. Ông Trần Công Minh |
Theo lãnh đạo UBND xã Bình Minh, làng chài ven biển giờ đang hồi sinh sau thảm họa Chanchu. Nhiều người mở đường “ra biển lớn”, xuất ngoại đánh cá thuê cho các chủ tàu cá ở Hàn Quốc, Malaysia. Thống kê, từ năm 2013 đến nay đã có hơn trăm ngư dân các xã ven biển “xuất ngoại”, tìm lối đi mới. Ngư dân Trần Công Khuyên (xã Bình Minh) từng đi đánh cá thuê cho tàu Hàn Quốc một thời gian rồi theo nghiệp cơ khí ở nước ngoài với lương tháng hơn 2 nghìn USD. Vài năm xa quê mưu sinh tích góp vốn liếng, anh Khuyên hồi hương, khiến cả làng ngỡ ngàng khi xây dựng biệt thự, mua thêm chiếc ô tô 4 chỗ và kinh doanh du lịch.
Tiếp bước phong trào xuất ngoại, anh Nguyễn Đức Tiến sang Hàn Quốc theo nghiệp đánh bắt hơn 4 năm, gửi về nhà món tiền kha khá để gia đình mua ô tô, xây nhà lớn. Ông Thanh, bố anh Tiến bảo: “Nhà có vài người thì 3 anh em nó rủ nhau “xuất ngoại” hết cả rồi!”. Căn nhà ông Thanh giờ như tô điểm cho “làng Chanchu” thời hồi sinh, phát triển. Giao lại tiệm tạp hóa cho vợ, ông Thanh mỗi ngày tất bật ngược xuôi ô tô khắp Tam Kỳ, Đà Nẵng kết nối các hợp đồng du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận