Sáng 28/2, tại thành phố Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: "Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư".
Đến dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại diện các cơ quan bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây cũng là dịp để tỉnh được lắng nghe các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý, hiến kế để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh, toàn diện, bền vững…
"Tỉnh tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gồm: công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; du lịch với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, dịch vụ logistics; nông nghiệp với xu thế phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp", ông Đoàn Anh Dũng nói.
Theo quy hoạch, các trục phát triển sẽ hình thành hướng Đông Bắc - Tây Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và QL1. Từ đây kết nối giao thông với tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là kết nối với TP.HCM.
Các trung tâm được bố trí kết nối với trục động lực và gắn kết với các chức năng công nghiệp, du lịch và đầu mối giao thông vận tải như cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt và các trung tâm tiếp vận.
Song song với quy hoạch, tỉnh cũng xác định cần sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B, quốc lộ 55, xây dựng mới sân bay Phan Thiết và đường kết nối đến cao tốc, quốc lộ, ga đường sắt và khu vực ven biển.
Nghiên cứu triển khai tuyến đường ven biển từ phía Bắc đến phía Nam tỉnh, trong đó có cầu tại cửa sông Cà Ty và cửa sông Phú Hài.
Nâng cấp các cảng biển Vĩnh Tân, cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý, xây mới cảng tổng hợp Sơn Mỹ và một số cảng du thuyền.
Tầm nhìn xa hơn, tỉnh đề xuất nghiên cứu xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Liên Khương, tiếp tục nâng cấp QL1, QL28, hình thành Trung tâm logistics sân bay Phan Thiết và cảng biển tại huyện Tuy Phong.
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong chặng đường vừa qua.
Phó thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch tỉnh Bình Thuận được công bố hôm nay chỉ là bước khởi đầu mang tính định hướng không gian phát triển, theo sự liên kết giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng như các vùng kinh tế xã hội khác như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…
"Qúa trình triển khai dựa trên quy hoạch, tỉnh Bình Thuận cần chủ động phối hợp với các bộ ngành, cơ quan Trung ương và cần tham vấn các đơn vị tư vấn chiến lược để xây dựng cho địa phương một quy hoạch có tính khoa học, hiệu quả lâu dài", Phó thủ tướng khơi gợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận