Công an Đồng Nai vừa khám xét thêm 6 trạm xăng dầu tại TP HCM, Long An liên quan vụ 2,7 triệu lít xăng giả (Trong ảnh: Cảnh sát khám xét một cây xăng liên quan)
Liên tiếp các vụ xăng dầu giả, nhập lậu “khủng” bị phát hiện thời gian qua làm dấy lên câu hỏi trách nhiệm quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, nó cũng cho thấy các quy định hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở.
Siêu lợi nhuận, nhiều đặc quyền
Liên quan vụ pha chế, buôn bán gần 2,7 triệu lít xăng giả, Công an Đồng Nai cho hay vừa khám xét thêm 6 trạm xăng dầu tại TP HCM, Long An, bắt tạm giữ hai nghi phạm liên quan.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 41 bị can, thu giữ 10 tàu thủy, 6 xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỷ đồng tiền mặt, cùng nhiều tài sản có giá trị khác… Bước đầu, nhóm này khai từ tháng 8/2020 đến nay đã cung cấp ra thị trường 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, trong kinh doanh xăng, dầu, tỷ lệ thuế, phí chiếm đến 50 - 60% đối với giá thành xăng và khoảng 40% với dầu.
“Nếu buôn lậu thì họ đã lãi tương ứng đến 60% với xăng và 40% với dầu. Còn nếu làm giả, thì lãi thêm 10 - 15%. Như vậy, gần như “buôn 1 lãi 10”.
Chưa kể, xăng dầu là sản phẩm không thể đo đếm, kiểm định chất lượng bằng cảm quan mà phải có phương tiện kỹ thuật. Vì thế, khó kiểm tra kịp thời nếu không có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng”, ông Long nói.
Tương tự, một thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu thừa nhận, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh thiết yếu, đã được tính các mức phí thuế và lợi nhuận vào giá. Do đó, nếu làm giả hay nhập lậu đều khiến Nhà nước thất thoát số tiền khổng lồ.
Cụ thể, mỗi lít xăng chịu 4.000 đồng/lít tiền thuế môi trường; 4.000 đồng/lít (khoảng 42%) các loại thuế, phí. Như vậy, mỗi lít xăng giả, doanh nghiệp đút túi ít nhất 8.000 đồng, chưa kể còn được hưởng chiết khấu chung khoảng 1.100 - 1.200 đồng/lít. Mỗi chuyến tàu chở dầu nhỏ cỡ 10.000m3, doanh nghiệp kiếm được hàng chục tỷ đồng…
Ngoài mức siêu lợi nhuận, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu còn cho rằng, việc trao “đặc quyền” cho thương nhân phân phối đang tiếp tay tình trạng xăng giả lộng hành. Đây cũng chính là lỗ hổng quản lý trong thời gian qua khiến vấn nạn xăng dầu giả, nhập lậu quy mô lớn diễn ra nhức nhối.
Theo vị này, thương nhân phân phối xăng dầu được phép lấy hàng từ nhiều nguồn để bán cho các đại lý, cửa hàng của mình. Trong khi, các tổng đại lý, đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền chỉ được nhận hàng từ một nguồn.
“Điều này tạo kẽ hở để hợp thức hóa hóa đơn chứng từ, “giúp sức” cho thương nhân tiêu thụ lượng lớn xăng dầu giả trong hệ thống của mình. Mặt khác, khi trung gian này mua đi bán lại, lưu kho, có thể khiến sản lượng thiếu hụt, ảnh hưởng đến toàn thị trường.
“Trăm hoa đua nở”
Cũng theo vị chuyên gia trên, tình trạng này còn tiếp tục tiềm ẩn trong dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP, khi vẫn chưa có đánh giá về điều kiện kinh doanh xăng dầu của các đối tượng là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu trong tình hình mới, khi số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã lên trên 15.000 cửa hàng, thay vì con số 11.000 trước đây…
Nghị định 83 quy định rất rõ, chịu trách nhiệm quản lý chung là Bộ Công thương, còn chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Do đó, để kiểm soát vấn đề này, đầu tiên phải có sự liên kết chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Sau đó là sự kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ từ các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương về chất lượng xăng, dầu khi đây là mặt hàng thiết yếu.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả
Câu chuyện về “đặc quyền” cũng được Bộ Công an nêu trong góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 83 khi đề xuất bỏ bớt đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, nhằm tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” khi Việt Nam có tới 38 doanh nghiệp, trong khi nhiều nước công nghiệp phát triển có số lượng doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ít hơn nhiều. Đơn cử như Hàn Quốc chỉ có 5 doanh nghiệp; Trung Quốc 5 doanh nghiệp; Nhật Bản 4 doanh nghiệp; Singapore 5 doanh nghiệp…
Phía Bộ Công an cũng cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở khi người mua lẻ xăng dầu thường không cần hóa đơn.
Điều này khiến nhiều đối tượng lợi dụng để tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ. Do đó, cần quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu và kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan thuế.
Tương tự, kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ góp ý về dự thảo sửa đổi Nghị định 83, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Nguyễn Lộc An cũng đề nghị bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu.
Ông An lý giải, thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.
Doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm?
Về những vấn đề trên, đại diện Bộ Công thương cho biết, việc quản lý về chất lượng, đo lường xăng dầu trên thị trường hiện được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm.
Trong đó có nêu: “Các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định; Các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định…”.
Như vậy, việc kẹp chì niêm phong chỉ thực hiện đối với các thiết bị liên quan đến việc giao nhận giữa các chủ thể khác nhau. Do đó, chỉ thực hiện đối với các bồn chứa xăng dầu trên các phương tiện vận chuyển xăng dầu khi mua bán hàng hóa và hiện vẫn đang được thực hiện.
Còn đối với các bể chứa xăng dầu của doanh nghiệp, do chỉ để tồn chứa xăng dầu của doanh nghiệp, chất lượng, số lượng xăng dầu trong bể chứa do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nên không cần kẹp chì niêm phong bắt buộc .
Về việc quản lý hóa đơn điện tử, Bộ này cho biết, sẽ được bắt buộc thực hiện từ ngày 1/7/2022 theo lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Về thuế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ các quy định về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế.
Việc này giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động mua bán xăng dầu trên thị trường, hạn chế gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, không cần quy định về kết nối dữ liệu cột bơm xăng dầu đến các cơ quan thuế để quản lý.
Theo thống kê của Bộ Công thương, toàn thị trường xăng dầu hiện có hơn 40 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 300 thương nhân phân phối và 16.000 cửa hàng bán lẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận