Xã hội

Bộ cấm lễ hội phản cảm, địa phương gửi đơn lên Quốc hội

14/02/2017, 11:13

Bộ chủ trương không tổ chức lễ hội phản cảm nhưng địa phương phản ứng, có nơi gửi cả đơn lên Quốc hội.

20170214_090242

Tổ công tác của Thủ tướng nghe các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL báo cáo về việc quản lý, chấn chỉnh lễ hội.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) sáng 14/2, các đơn vị thuộc Bộ đã có báo cáo về các vấn đề mà Tổ công tác của Thủ tướng đặt ra, đặc biệt là trong công tác quản lý hoạt động của các lễ hội.

"Lễ hội do Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban, lập biên bản khó lắm!"

Về ý kiến của Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khi truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc trước nhiều lễ hội biến tướng nhưng Bộ VH-TT&DL lại lặng im, không lên tiếng, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở trình bày, trong hội nghị tổ chức công tác hàng năm Bộ đều có một chuyên đề riêng về quản lý lễ hội, tổ chức và chấn chỉnh lễ hội. Đặc biệt trong mùa lễ hội năm 2017, Cục và các cơ quan khác đã tổ chức các đoàn kiểm tra theo dõi các lễ hội có quy mô lớn, tập trung theo dõi giám sát các hình thức lễ hội trước đó có biểu hiện phản cảm, bạo lực cần chấn chỉnh…

Tuy nhiên, bà Thuỷ cho hay còn một số địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, còn để xảy ra các hoạt động phản cảm trong lễ hội. “Trước những hành vi như vậy, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã giao cho cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chính quyền địa phương kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, Bộ cũng không dưới 10 lần phối hợp với cơ quan truyền thông thể hiện quan điểm của Bộ về chấn chỉnh các lễ hội phản cảm”, bà Thuỷ thông tin.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng các mặt tốt của lễ hội năm nay tương đối nhiều, trong đó có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, ban tổ chức quản lý lễ hội của các địa phương cũng chuyên nghiệp hơn, và cái được lớn nhất là nhân dân và cả xã hội không đồng tình với các lễ hội phản cảm.

“Trước đây, đây là vấn đề rất khó, ví dụ khi chúng tôi muốn phối hợp với Tổng cục thể thao tổ chức cướp phết như một hình thức thể thao nhưng nhân dân không đồng tình, vì cướp phết lâu nay là văn hoá của họ”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng khẳng định việc quản lý lễ hội là vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay, vì hoạt động lễ hội lại gắn với yếu tố kinh tế. Nêu những mặt chưa được, ông Thành nhấn mạnh vấn đề yếu tố kinh tế tạo mục đích trục lợi tại các lễ hội. Dẫn chứng như việc dù Bộ đã có chỉ đạo nhưng lễ hội chọi trâu ở nhiều địa phương vẫn được thực hiện vì có lợi nhuận về kinh tế. Ở góc độ văn hoá, ông Thành cho rằng đó là “trục lợi”.

“Như ở Yên Bái ngày 12/2 vừa rồi vẫn tổ chức chọi trâu. Chúng tôi có cho cán bộ văn hoá của Sở xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng lễ hội này do Phó chủ tịch làm trưởng ban tổ chức nên lập biên bản khó lắm! Nhưng chúng tôi vẫn cương quyết, ở Yên Bái thì chúng tôi đang xem doanh nghiệp nào đứng đằng sau, bởi vì doanh nghiệp đầu tư vào trâu chọi, sau đó phối hợp với địa phương tổ chức lễ hội, bán vé, bán thịt trâu, cái đó thu lời tương đối lớn nên vẫn người ta vẫn rất ham”, ông Thành nói.

choi-trau

Dù đã có chỉ đạo từ Bộ nhưng lễ hội chọi trâu ở nhiều địa phương vẫn được tổ chức vì có lợi nhuận lớn.

Bộ cương quyết cấm, địa phương cố làm là sai

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhận định tình tình tổ chức lễ hội năm 2016 đã tốt hơn, các lễ hội phản cảm đã ít hơn, trật tự an ninh lễ hội tại các địa phương đã làm khá tốt bởi lễ hội tổ chức ở đâu thì chính quyền địa phương ở đo phải chịu trách nhiệm.

Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, thực hiện công điện của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã phân công hàng loạt Thứ trưởng và lãnh đạo thanh tra, kiểm tra liên tục các lễ hội nhạy cảm. Bộ chủ trương không tổ chức các lễ hội phản cảm nhưng các địa phương phản ứng quá lớn, vì đó là truyền thống của họ. Sau đó Bộ cử cán bộ, mời các giáo sư về nghiên cứu xem các lễ hội này xuất phát từ đâu, quan điểm là bảo tồn các lễ hội có giá trị, còn lễ hội phản cảm cương quyết cắt bỏ. “Đơn cử như chọi trâu, đá gà là trò chơi dân gian không bị cấm, nhưng lợi dụng nó để ăn tiền và cờ bạc thì cương quyết cấm. Chọi trâu chúng tôi khuyến cáo là không tổ chức nhưng có nơi còn gửi đơn lên cả Quốc hội. Vấn đề này hết sức phức tạp”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái dẫn chứng.

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo về vấn đề này, Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh, ý kiến của Thủ tướng là muốn Bộ VH-TT&DL lưu ý đến những lễ hội đang bị biến tướng để trục lợi.

Đặc biệt, Bộ  VH-TT&DL là cơ quan quản lý nhà nước tầm vĩ mô về văn hoá nên phải có những ý kiến chỉ đạo cương quyết, nêu rõ quan điểm cấm hay không cấm, đồng ý hay không đồng ý.

“Trong lễ hội, làm gì có chuyện nhà sư đứng bên trên ném lộc xuống để dân tranh cướp, rất phản cảm. Rồi nhiều vấn đề tồn tại ở nhiều lễ hội khác. Bộ lên tiếng là phải có văn bản công bố, có cho phép diễn ra hay không. Ý Thủ tướng nói là dưới góc độ quản lý Nhà nước thì Bộ phải có chính kiến mạnh mẽ. Dù địa phương phản ứng, nhưng nếu cơ quan quản lý Nhà nước nói không được mà địa phương cố tình làm là địa phương sai”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.