Xã Triệu Độ không thông báo rộng rãi việc nhận và cấp 10 con bò đực giống đợt 2 cho người dân, chỉ thông báo cho một số cán bộ xã, một số người thân cán bộ xã, một số hộ dân |
Liên quan đến vụ “bò chính sách “lạc” vào nhà cán bộ, ra lò mổ” ở xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong), tại báo cáo gửi Cục Chăn nuôi ngày 30/3, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, sau khi có thông tin việc hỗ trợ bò đực giống nói trên. Ngày 27/3, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Độ để xác minh thông tin, nắm tình hình.
Qua đó làm việc, xác minh, Sở NN&PTNT nhận thấy có một số sai phạm như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho người dân của UBND xã Triệu Độ thực hiện còn sơ sài, chưa triệt để, chưa sâu rộng. Việc nhận và cấp 10 con bò đực giống đợt 2 chưa đúng quy trình, hướng dẫn theo quy định. Việc thông báo cấp 10 con bò đực giống đợt 2 không được thực hiện rộng rãi cho người dân trong toàn xã mà chỉ thông báo đến cho một số cán bộ xã, một số người thân của cán bộ xã và một số hộ dân.
Một số hộ dân nhận bò đực giống chưa nhận thức rõ ràng về mục đích, ý nghĩa nuôi và sử dụng bò đực giống tại chính sách. Một số hộ dân tự ý bán giết mổ bò giống được cấp và không thông báo cho UBND xã và các cơ quan chuyên môn.
“Hiện nay, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND huyện Triệu Phong, Phòng NN&PTNT kiểm tra quy trình thực hiện chính sách tại địa phương để làm rõ sai phạm và đề nghị UBND huyện Triệu Phong xử lý nghiêm vụ việc, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại địa phương và công tác lựa chọn đối tượng hưởng chính sách”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị cho hay.
10 con bò đực giống xã Triệu Độ đã nhận trong đợt 2 và cấp cho các hộ nuôi thì có 5 con đã bị cho ra lò mổ |
Trước đó, căn cứ điều định quy định, Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong đã triển khai cho 4 xã Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng và Triệu Độ, là những xã thuộc Quyết định 131/2017/QĐ-TTg xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang giai đoạn 2016- 2020. Số liệu đăng ký nhu cầu của các xã gửi về Phòng NN&PTNT ban đầu chỉ có 3/4 xã đăng ký tổng cộng 24 con (Triệu An 10 con, Triệu Vân 11 con và Triệu Độ 3 con).
Phòng NN&PTNT đã tổng hợp và tổ chức kiểm tra cụ thể những xã và những hộ đăng ký có thực sự nhận giống đúng theo nhu cầu đăng ký để chốt số liệu, đồng thời phối hợp với cán bộ đơn vị có đủ điều kiện cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh để về giới thiệu đặc điểm cũng như chất lượng của loại giống các hộ cần mua, thống nhất thỏa thuận giá cả giữa bên bán, bên mua và hướng dẫn phương pháp chăm sóc, sử dụng con giống.
Phòng NN&PTNT đứng ra làm đơn vị trung gian về thủ tục, về kiểm tra chất lượng, hướng dẫn chăn sóc… Tuy nhiên, khi chuẩn bị nhận giống thì 2 xã Triệu Vân, Triệu An có 13 hộ không có nhu cầu nữa, Phòng NN&PTNT huyện thông báo lại cho các xã trên thì chỉ có đơn vị Triệu Độ đăng ký thêm 10 con. Đến nay, số bò đực giống ở các xã Triệu An, Triệu Vân đang phát triển tốt. Riêng xã Triệu Độ, trong 13 con bò đực giống (đợt 2 là 10/13 con) thì có 5/10 con đã bị người dân tự ý bán để giết mổ, số còn lại (8/13 con) đang phát triển tốt.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, ngày 4/4/2017, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 4488 về kinh phí thực hiện Quyết định số 50 ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Bộ Tài chính cho tỉnh Quảng Trị tạm ứng số tiền 6,9 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ của 50% kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ. Sau khi được Trung ương tạm ứng 6,9 tỷ đồng, ngày 28/4/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 885 về việc phân bổ kinh phí cho các địa phương. Trên cơ sở kinh phí được tạm ứng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phân bổ số lượng, hạng mục hỗ trợ cho các xã phường, thị trấn. Năm 2017, số lượng hạng mục thực hiện hỗ trợ toàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ tương ứng trên 3 tỷ đồng (44,13% kinh phí cấp tạm ứng), trong đó hỗ trợ trâu đực giống 18 con (huyện Cam Lộ 7 con, huyện Hướng Hóa 11 con) và bò đực giống 92 con (Triệu Phong 21 con, Gio Linh 3 con, Hải Lăng 2 con, Cam Lộ 19 con, Đakrông 23 con và Hướng Hóa 24 con). Cũng theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, năm 2017 là năm sản xuất chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, giá cả thịt lợn hơi, bò hơi giảm mạnh, đặc biệt giá thịt lợn hơi giảm sâu gây thiệt hại cho người chăn nuôi nên tình trạng người dân giảm đàn rất lớn, vì vậy nhu cầu hỗ trợ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi là rất ít. Số lượng hộ đăng ký hưởng chính sách thời điểm đăng ký năm 2016 rất nhiều, nhưng đến khi triển khai thực hiện hỗ trợ (năm 2017) thì rất ít. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận