Bộ Công an vừa ban hành dự thảo thông tư quy định quy trình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong công an nhân dân và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống ma túy...
Theo cơ quan này, qua 8 năm thực hiện, Thông tư số 40/2015/TT-BCA có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới. Một số phương tiện, thiết bị nghiệp vụ mới được trang cấp để phát hiện vi phạm hành chính nhưng chưa được quy định kiểm định, hiệu chuẩn.
Bên cạnh đó, số lượng vụ việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ ngày càng lớn nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị đó.
Để tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý cho lực lượng công an trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật, Bộ Công an thấy cần thiết phải ban hành thông tư thay Thông tư số 40/2015.
Trong dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp, Bộ Công an quy định đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm nhiều cục có liên quan như: Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động...
Ngoài ra còn có trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng nghiệp vụ hoặc tương đương thuộc cục và lực lượng công an cấp xã.
Theo đề xuất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để phát hiện vi phạm hành chính, nếu có hư hỏng, sự cố không thể sử dụng được thì phải đăng ký, báo cáo về Bộ Công an để theo dõi.
Phương tiện, thiết bị (bao gồm cả dữ liệu đã thu thập được) phải được giao, nhận theo kế hoạch công tác; việc giao, nhận được ghi chép trong sổ giao, nhận.
"Không được tự ý xóa hoặc làm thay đổi dữ liệu trong các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ", dự thảo nêu rõ.
Trường hợp bộ nhớ trong, thẻ nhớ ngoài của phương tiện, thiết bị đầy dữ liệu, thì người sử dụng báo cáo cấp trên để tiến hành chuyển dữ liệu vào máy tính lưu trữ theo quy định. Sau đó mới được xóa dữ liệu trong phương tiện, thiết bị, thẻ nhớ ngoài. Lưu ý, việc xóa dữ liệu phải được lập biên bản ghi nhận.
Cũng theo dự thảo này, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa đi kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa hoặc có dấu hiệu hư hỏng, gặp sự cố (kể cả thẻ nhớ ngoài), phải tiến hành ngay việc lưu trữ dữ liệu vào máy tính và lập biên bản ghi nhận việc lưu trữ.
Dự thảo còn liệt kê một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng gồm: Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; máy đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh; thiết bị đo khoảng cách giữa hai phương tiện giao thông đang chạy; máy đo nồng độ cồn trong hơi thở; các phương tiện liên quan phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận