Sạc pin quá lâu có thể gây hỏa hoạn
Trước thực trạng gần đây xảy ra một số vụ cháy xe điện gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Bộ Công an vừa đưa ra khuyến cáo.
Theo Bộ Công an, kết quả điều tra các vụ xe điện cháy nổ cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do sạc điện ắc quy hoặc pin của xe gây sự cố.
Cụ thể, do xe sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc đã bị sửa chữa; người dùng lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị (còi báo động, đèn tăng công suất…) hoặc chở quá tải.
Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin. Từ đó, việc sạc điện khiến ắc quy, pin bị phồng gây nổ.
Hiện trường vụ cháy khiến hai bà cháu tử vong ở Thanh Hóa.
Nguyên nhân tiếp theo là do bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại; do mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.
Người dùng thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không đúng thông số do nhà sản xuất đưa ra, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện cũng có thể gây ra cháy nổ.
Gần đây nhất, rạng sáng 13/7, chiếc xe mang nhãn hiệu EAGLE (công suất 3.8kw do Trung Quốc sản xuất) phát hỏa tại nhà dân thuộc phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Hậu quả khiến 2 người tử vong.
Ngoài ra, quy trình sạc điện không đúng hướng dẫn như: Sạc quá lâu, tần suất sạc điện quá cao, sạc trong điều kiện nhiệt độ cao, sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa hoặc cạnh những vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin.
Một nguyên nhân nữa, là do người dùng khi sạc không ngắt nguồn điện (vừa sạc và vừa xả điện). Hành động này có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc. Đồng thời, làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin và gây đoản mạch, gây cháy xe.
Một số trường hợp cháy nổ khác do tác động ngoại cảnh như: Ổ sạc bị ẩm, dây dẫn điện không bảo đảm yêu cầu, chuột cắn dây...
Tuyệt đối không sạc điện qua đêm
Đưa ra khuyến cáo, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nêu rõ một số kỹ năng phòng tránh như sau:
Một là, người dân nên lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan chức năng kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị gây ảnh hưởng đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe.
Hai là, sạc điện phương tiện theo hướng dẫn của hãng; không sạc điện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt. Lúc này, cần thay thế ắc quy, pin mới.
Người dùng cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện để phát hiện hỏng hóc.
Ba là, sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện ổn định. Sau khi sử dụng, mọi người cần chờ bình điện nguội rồi mới sạc; không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn.
Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát.
Bốn là, sạc điện ở nơi khô ráo, tránh nơi kín đảm; khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ.
Năm là, quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ. Người dân tuyệt đối không sạc qua đêm và khi không có người lớn ở nhà.
Đáng chú ý, đối với ô tô điện, cơ quan công an khuyến cáo người dùng sạc tại những trạm dành cho ô tô đã được cấp phép; sử dụng bộ sạc tại nhà theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, các trạm sạc điện phải đảm bảo độ an toàn. Chủ ô tô điện cũng cần thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị, kịp thời thay thế thiết bị đã hư hỏng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận