Hiện tượng đóng cửa không phổ biến
Bộ Công thương vừa phát đi thông tin liên quan đến thị trường xăng dầu. Theo Bộ này, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Dẫn chứng có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động, Bộ Công thương cho rằng “hiện tượng này không phải phổ biến”.
Theo Bộ này, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Tồn kho xăng dầu vẫn đáp ứng đủ
Trước thực tế trên, Bộ Công thương cho biết, Bộ đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt).
Đồng thời, sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Bộ này cũng đã yêu cầu Sở Công thương các tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp…
Bộ Công thương khẳng định, hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, của một số thương nhân đầu mối.
Tuy nhiên, tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, và nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Cụ thể, hệ thống Petrolimex, tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3, gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu; PVOIL còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn 19 nghìn m3; Saigon Petro khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...
“Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình”, Bộ Công thương cho hay.
Dù vậy, thực tế cây xăng đóng cửa không phản ánh hết khó khăn tìm mua xăng của người dân nhiều tỉnh thành. Mà việc hết xăng ở nhiều thời điểm, khiến cây xăng không có hàng bán mới là vấn đề.
Thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, có hơn 300 cây xăng đang gián đoạn nguồn cung (tính đến ngày 10/10), như là: Tại TP.HCM, có tới 121/550 cửa hàng hết xăng (chiếm 20%); Tỉnh Bình Phước, có 27/415 cửa hàng dừng hoạt động, 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 2 cửa hàng hết dầu còn xăng; Tỉnh An Giang, 24 cửa hàng muốn tạm dừng và có 30/559 cây xăng vẫn mở cửa nhưng không có xăng để bán; Tỉnh Hậu Giang, có 21/211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, dầu; Tỉnh Ninh Thuận, có 5/128 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, 8 đơn vị đề nghị dừng bán; Tỉnh Đắk Lắk, có 24 cửa hàng xăng dầu gián đoạn nguồn cung; Tỉnh Bình Dương, có 16/445 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận