Thị trường

Bộ Công thương nói gì về độc quyền ngành điện và minh bạch giá điện?

04/11/2024, 17:42

Theo Bộ Công thương, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bỏ đối tượng độc quyền là "nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp" và đã quy định việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện.

Chưa có quy định, nguyên tắc để minh bạch các thành phần của giá điện

Bộ Công thương vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, một số vấn đề chưa được làm rõ. Cụ thể, với giá điện, chưa có quy định, nguyên tắc để minh bạch các thành phần của giá điện, trong đó có bao gồm các khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa...

Uỷ ban góp ý, trước mắt, các khoản trên tiếp tục được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể và có lộ trình dài hạn để tiến tới việc chi cho các khoản này được lấy từ ngân sách Nhà nước hoặc các nguồn tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Công thương nói gì về độc quyền ngành điện và minh bạch giá điện?- Ảnh 1.

Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua 1 kỳ họp với Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: EVN.

Bộ Công thương giải trình, tại khoản 12 Điều 5, đã quy định việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia, hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.

Do đó, khi triển khai thực hiện xóa bỏ bù chéo thì sẽ phải tách các khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa... Mặt khác, hiện nay đã có quy định việc trích từ ngân sách để hỗ trợ cho 30kWh đối với các đối tượng là các hộ nghèo, hộ chính sách theo tiêu chí do Thủ tướng quy định.

Còn về việc minh bạch các thành phần của giá điện, theo bộ này, sẽ được Chính phủ, Bộ Công thương quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn Luật (cấp độ phát triển thị trường điện phụ thuộc vào mức độ cân bằng cung cầu; kết cấu và tỷ trọng các nguồn điện chạy nền của hệ thống điện và quá trình tái cơ cấu ngành điện theo lộ trình).

Liên quan đến việc độc quyền trong ngành điện, Ủy ban KH,CN&MT nói: "Có ý kiến cho rằng, cần rà soát, xem xét kỹ và làm rõ về những chính sách được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật về các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư, giảm đầu tư công, tăng tính khả thi và quản lý Nhà nước hiệu quả hơn".

Bộ Công thương cho biết, bộ đã tiếp thu, rà soát, bỏ đối tượng độc quyền "nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp"…

Luật cần được ban hành sớm nhất

Ủy ban KH,CN&MT cũng ý kiến, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng, khách quan, toàn diện. Ủy ban đề nghị thông qua luật tại hai kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra và thông qua tại kỳ họp sau).

Bộ Công thương cho rằng, các nội dung được đề xuất tại Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng bao gồm cả nội dung về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được kiểm nghiệm trong thực tế nhiều năm.

"Riêng đối với các nội dung mới như phát triển điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, việc xây dựng nguyên tắc tại luật và giao xây dựng các văn bản quy định chi tiết là phù hợp với giai đoạn hiện nay, để có cơ sở triển khai từng bước và có những đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm tiến tới hoàn thiện các quy định tại luật trong các giai đoạn tiếp theo", Bộ Công thương thông tin.

Theo tổng sơ đồ điện 8 và tính toán của Bộ Công thương, NSMO, EVN dự kiến đến năm 2030 công suất đỉnh hệ thống sẽ tăng thêm 40.000 MW, đạt 90.000 MW so với thời điểm cuối năm 2024 (khoảng 50.000 MW). Trong đó, miền Bắc cần 20.000 MW, miền Nam 18.000 MW, miền Trung 2.000 MW.

Bộ Công thương đánh giá, đây là lượng công suất rất lớn, thời gian xây dựng các công trình điện lực kéo dài, thường tới 3-5 năm thi công. Vì vậy cần phải có đạo luật mới được ban hành trong thời gian sớm nhất, nhằm tháo gỡ về mặt thể chế hóa.

Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi về quy hoạch và đầu tư để sớm đưa các nguồn điện vào hệ thống điện; tạo điều kiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để đảm bảo an ninh năng lượng, dự kiến đối với nguồn điện cần khoảng 70-80 tỷ USD; bổ sung thể chế và có cơ chế để huy động các loại nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hạt nhân.

"Với các căn cứ cấp bách như trên, Chính phủ đã có đề nghị Quốc hội thông qua 1 kỳ họp", Bộ Công thương giải thích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.