Cần hết sức bình tĩnh
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Bộ này cũng liên hệ cơ quan ngoại giao và các kênh khác nhau để thu xếp có cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng và Trưởng đại diện thương mại Mỹ.
Để chuẩn bị cho điện đàm sắp tới, theo ông Tân, cần tiếp tục chuẩn bị các vấn đề đàm phán mà Mỹ quan tâm. Mục tiêu là nhằm giải thích rõ hơn các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công thương. Ảnh: Nguyễn Hường.
Ông Tân cũng cho biết, trong chiều nay, phó thủ tướng chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu để lắng nghe các tác động, tiếp thu và ghi nhận các ý kiến để đưa ra phương án xử lý gắn với quyền lợi của doanh nghiệp.
Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ sẽ sang Mỹ để trao đổi nhiều nội dung liên quan trực tiếp việc áp thuế đối ứng của Mỹ.
"Trước tác động của thuế đối ứng, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó. Do đó các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... sẽ chưa được bàn đến và chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra", lãnh đạo Bộ Công thương nói và nhấn mạnh "cần hết sức bình tĩnh, nếu đánh giá về tình hình theo hướng tiêu cực sẽ chưa trọn vẹn", ông Tân nói.
Phân tích góc độ tích cực, ông Tân cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội liên quan tới câu chuyện độc lập, tự chủ nền kinh tế trong quá trình hội nhập.
Hướng tới mối quan hệ thương mại bền vững, hài hòa và cùng có lợi
Về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho hay, Bộ Công thương sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với phía bạn, khẳng định Việt Nam muốn xây dựng thương mại công bằng, sẵn sàng trao đổi, đàm phán giải quyết vướng mắc bất cập để hài hòa hơn.
"Bài phát biểu của ông Trump có nhận xét tích cực với Việt Nam, là tín hiệu tốt để hai bên trao đổi trong vài ngày tới trước thời điểm ngày 9/4, hướng tới việc cùng xử lý vấn đề hai bên đang vướng mắc", ông Linh nói.
Ông cũng nhận định, trước ngày 9/5, Bộ Công thương sẽ tập trung trao đổi với phía Mỹ nhằm thống nhất phương án xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách thuế mới, hướng tới mối quan hệ thương mại bền vững, hài hòa và cùng có lợi.
Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Đại diện Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài khẳng định, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
Vị này cũng một lần nữa khẳng định, mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận