Quản lý

Bộ Giao thông vận tải vào top 9 bộ ngành giải ngân cao nhất

01/07/2020, 06:17

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, dù Bộ GTVT vào top Bộ, ngành giải ngân cao, tuy nhiên công việc phía trước còn rất lớn.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hết tháng 6/2020, Bộ GTVT giải ngân được hơn 13,3 nghìn tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch năm, cao hơn so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước là 28,9%.

Lọt top 9 bộ, ngành giải ngân cao nhất

Chiều 30/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Báo cáo kết quả giải ngân, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT Nguyễn Danh Huy cho biết, theo kế hoạch, năm 2020 Bộ GTVT giải ngân hơn 39,7 nghìn tỷ đồng (hơn 35,9 nghìn tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và hơn 3,7 nghìn tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Đến nay, Bộ đã giao chi tiết hơn 34,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,7%. Hơn 1,5 nghìn tỷ đồng vốn trong nước chưa giao là do Bộ KH&ĐT mới trình Thủ tướng, chưa có quyết định giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn để làm cơ sở giao kế hoạch năm.

Về giải ngân, hết tháng 6/2020, Bộ dự kiến giải ngân được hơn 13,3 nghìn tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch năm. “Con số này khá cao so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước là 28,9%”, ông Huy nói và cho biết thêm: Bộ GTVT lần đầu tiên được đánh giá nằm trong Top 9 bộ, ngành có kết quả giải ngân 6 tháng tốt nhất.

Thông tin thêm, ông Huy cho biết: Vốn trong nước giải ngân được hơn 11,9 nghìn tỷ đồng, đạt 33,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 35,4% kế hoạch giao chi tiết chủ đầu tư (cao hơn số bình quân chung cả nước là 31,2%).

Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ GTVT dù còn thấp so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (đạt hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước (12%).

Đáng lưu ý, theo ông Huy, qua 5 tháng giữ tiến độ giải ngân ở mức tương đối tốt, cơ bản bám sát kế hoạch đề ra, kết quả giải ngân tháng 6/2020 có biểu hiện chững lại, thấp hơn 554 tỷ đồng so với kế hoạch.

Nguyên nhân được ông Huy chỉ rõ là do chưa xử lý hết các vướng mắc trong quá trình quyết toán, thanh toán cuối cùng, thủ tục sử dụng vốn dư, cơ cấu lại khoản vay (cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu, dự án kết nối Mê Kông và đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông); Công tác GPMB có khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng tái định cư của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; vướng mặt bằng thi công tại dự án tuyến tránh Tân An, mở rộng QL1 đoạn qua Quảng Ngãi, QL40B, QL27 đoạn tránh Liên Khương, tuyến tránh Kon Tum...

Dự án chậm giải ngân sẽ điều chuyển vốn

Về kế hoạch giải ngân thời gian tới, ông Huy cho biết: Trong 6 tháng cuối năm, Bộ cần tiếp tục giải ngân hơn 26,3 nghìn tỷ đồng. “Nhìn chung, việc hoàn thành 100% kế hoạch vốn trong nước là khả thi với việc chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, khởi công 2 dự án đầu tư công khẩn cấp tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách còn có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện. Tuy nhiên, việc hoàn thành toàn bộ kế hoạch vốn nước ngoài có thể khó khăn nếu không xử lý được những vướng mắc của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, ông Huy đánh giá.

Cùng với đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông Huy kiến nghị một loạt các giải pháp quyết liệt, trong đó có việc điều chuyển ngay kế hoạch của các dự án dự kiến tới tháng 11 - 12/2020 mới giải ngân cho các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch ngay trong tháng 7/2020.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên cho công tác GPMB, ứng hợp đồng của các dự án đã đủ thủ tục, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách”, ông Huy thông tin.

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác GPMB, không thể xử lý dứt điểm, như tuyến tránh Tân An, QL40B, tuyến tránh TP Kon Tum, đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1 (Hòa Bình), ông Huy đề xuất Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA làm việc chính thức với các địa phương, xác định phạm vi dừng dự án để bàn giao lại cho địa phương (cắm biển dừng không thể thực hiện do vướng GPMB), điều chuyển vốn cho các dự án khác để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch Bộ được giao.

Ông Huy cũng đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT xem xét không tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các chủ đầu tư nhiều lần bị nhắc nhở do chậm trễ trong xử lý thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhưng không có chuyển biến, như Sở GTVT Kon Tum (tuyến tránh KonTum, QL24), Sở GTVT Hòa Bình (đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1)…

Ủng hộ đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng dù Bộ GTVT lọt top Bộ, ngành giải ngân cao, tuy nhiên công việc phía trước còn rất lớn. 6 tháng cuối năm, tổng số tiền phải giải ngân lên tới hơn 26,3 nghìn tỷ đồng.

“Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với lãnh đạo các địa phương, làm rõ tiến độ, chất lượng từng dự án. Dự án nào chậm là điều chỉnh vốn. Riêng với các đơn vị trực thuộc Bộ, ngay từ tháng 7, sẽ thực hiện ngay việc tăng vốn cho các dự án giải ngân tốt. Dự án nào chậm, dứt khoát điều chỉnh vốn. Mục tiêu nhất quán đặt ra là hoàn thành giải ngân 100% vốn Nhà nước đúng theo kế hoạch”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng lưu ý cơ quan đơn vị thực hiện dự án đầu tư công, sử dụng ngân sách Nhà nước phải lấy chữ tâm, lấy trách nhiệm để làm. Tiến độ quan trọng, nhưng chất lượng cũng quan trọng không kém. “Giám đốc bây giờ không phải là ăn ngon ngủ yên, mà phải lăn lộn ngoài công trường. Có như vậy tiến độ, chất lượng mới đảm bảo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hầu hết các kế hoạch đều hoàn thành

Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết: 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn thành hầu hết các kế hoạch đặt ra. Sản lượng vận tải 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 800 triệu tấn hàng, giảm 8,1%, hơn 1.812 triệu lượt hành khách, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2019. TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai tích cực.

Công tác chuẩn bị, triển khai các dự án trọng điểm của ngành GTVT được tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bám sát kế hoạch đề ra, đặc biệt là công tác triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, CHK quốc tế Long Thành, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo đường cất/hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, thu phí không dừng...

6 tháng cuối năm, khởi công 7 dự án

Theo ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ khởi công 7 dự án, trong đó có 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; hoàn thành 25 dự án, trong đó có dự án trọng điểm như: Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh và đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Cả năm 2020, số dự án dự kiến khởi công là 18, ít hơn kế hoạch 7 dự án. Trong đó, 2 dự án là tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến nối QL91 với tuyến tránh TP Long Xuyên chậm thủ tục, đến nay mới ký hiệp định vay vốn. 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP của Dự án cao tốc Bắc - Nam phải điều chỉnh từ đấu thầu nhà đầu tư quốc tế sang đấu thầu nhà đầu tư trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.