Trước đó, cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị sớm đầu tư xây dựng các đường gom dân sinh tại các vị trí nguy hiểm đối với giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm hoàn thành xóa lối đi tự mở trước năm 2025 theo Quyết định số 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Địa phương này cũng đề nghị đầu tư một số nút giao tại thị xã Hương Thủy để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ GTVT cho biết, theo Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế được quy hoạch xây dựng khoảng 25km đường gom dọc đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường gom tại địa phương. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm triển khai theo kiến nghị của cử tri.
Đối với đề nghị đầu tư nút giao, Bộ GTVT khẳng định đề xuất hoàn toàn phù hợp. Để triển khai thực hiện, Bộ GTVT đề nghị địa phương xây dựng phương án, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định tại Thông tư số 29/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
"Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện", Bộ GTVT nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận