Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc hội thảo. |
Dưới sự hỗ trợ và chỉ đạo của Bộ GTVT, Viện Khoa học và công nghệ GTVT đã phối hợp với công ty TNHH Doanh Bảo An, ASI Solutions (vương quốc Anh) và Công ty IVA (Thụy Sỹ) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng vật liệu Rhinophalt trong bảo trì đường bộ”. Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng nhiều nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quản lý của ngành GTVT, các nhà thầu tư vấn thi công.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong những năm qua kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện chủ trương hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong những năm vừa qua Bộ GTVT đã triển khai nghiên cứu ứng dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu mới thành công góp phần cho công tác xây dựng, duy tu bảo dưỡng đường hiệu quả hơn. Chúng ta cần chủ trương hiện đại hóa công tác bảo trì đường bộ, hạn chế ô nhiễm môi trường, đầu tư ứng dụng mới.
Thứ trưởng cũng cho rằng việc ứng dụng Rhinophalt là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác bảo trì mặt đường bê tông nhựa. Hiện Rhinophalt đã được Bộ GTVT cho phép tiến hành thử nghiệm tại Việt Nam và đã ban hành “Chỉ dẫn tạm thời về kĩ thuật thi công và nghiệm thu lớp vật liệu Rhinophalt dùng trong công tác bảo trì mặt đường bê tông nhựa”.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu phân tích rõ các cơ sở khoa học các kết quả nghiên cứu quy trình công nghệ thi công đặc biệt là phạm vi áp dụng của vật liệu để đạt được hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao trong công tác bảo trì đường bộ. Ngoài ra nhà cung cấp vật liệu cần làm rõ thông tin giá thành sản phẩm chi phí định mức, đơn giá lợi thế so sánh để công tác thi công vật liệu Rhinophalt làm cơ sở cho việc xem xét ứng dụng nhân rộng ở Việt Nam trong tương lai.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Tại hội thảo các đại biểu tham dự đã phân tích những lợi ích vượt trội của Rhinophalt như giúp kéo dài tuổi thọ mặt đường, giảm chi phí bảo trì và gián đoạn giao thông, góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu 94% lượng khí thải carbon.
Theo ông Jery Tonge, TGĐ ASI Solutions cho biết khi sử dụng trong quá trình thi công Rhinophalt hoạt động theo cơ chế thấm sâu vào bề mặt đường để cung cấp một lớp màng bảo vệ có chức năng gắn kết các loại dầu và nhựa với nhau, tăng khả năng giữ hạt cốt liệu và tính chống thấm cho mặt đường. Vật liệu này có khả năng kéo dài tuổi thọ bề mặt đường, giảm chi phí sửa chữa, làm chậm lại quá trình tái rải nhựa nóng và nhanh chóng hoàn thiện các con đường.
Khi sử dụng Rhinophalt cũng giúp giảm chi phí toàn bộ vòng đời sản phẩm, tiết kiệm chi phí sửa chữa, giảm lượng khí thải CO2. Hiện nay vật liệu này là một sản phẩm bảo trì mặt đường được thiết kế riêng biệt để tránh các hư hỏng mặt đường đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc.
“Việc ứng dụng Rhinophalt được xem là phương pháp phòng ngừa, ngăn chặn tối đa hư hỏng có thể xảy ra và kéo dài tuổi thọ mặt đường. Phương pháp này giúp hạn chế sửa chữa lớn hoặc phải xây lại đường dẫn đến tốn kém tiết kiệm kinh phí cho ngân sách quốc gia”, ông Tonge cho biết.
Việc áp dụng công nghệ, vật liệu mới sẽ nâng cao chất lượng tuổi thọ công trình. |
Đại diện Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho rằng công tác bảo trì đường bộ hiện nay còn nhiều hạn chế chủ yếu là bảo dưỡng sửa chữa, công nghệ lạc hậu như: láng nhựa, vá ổ gà, hàn vết nứt. Do đó việc áp dụng ứng dụng các vật liệu mới và xây dựng chiến lược và lựa chọn công nghệ tiên tiến trong công tác bảo trì đường bộ là hết sức cần thiết. Về vật liệu Rhinophalt qua kiểm tra thí nghiệm các tiêu chí kỹ thuật đều đáp ứng tốt các tiêu chí kỹ thuật.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm trong phòng và hiện trường Bộ GTVT đã ban hành “Chỉ dẫn tạm thời về kĩ thuật thi công và nghiệm thu lớp vật liệu Rhinophalt dùng trong công tác bảo trì mặt đường bê tông nhựa”. Do đó Viện đề nghị TCĐBVN sớm có bước triển khai tiếp theo ứng dụng vật liệu Rhinophalt trong bảo trì đường bộ vào một số công trình thí điểm để tiếp tục đánh giá hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật trước khi cho phép áp dụng đại trà tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận