Trước đó, cử tri tỉnh Hà Giang có công văn kiến nghị xem xét bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2025-2030 để đầu tư thông tuyến và hoàn thành đồng bộ đoạn quốc lộ 4 trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo quy hoạch.
Cử tri cho biết, quốc lộ 4 thuộc hệ thống đường vành đai 1 được quy hoạch là tuyến quốc lộ chính yếu của khu vực phía Bắc (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050), có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về an ninh - quốc phòng, là điều kiện để các lực lượng kịp thời cơ động khi có tình huống xảy ra trên tuyến biên giới.
"Với tính chất liên kết các vùng phát triển kinh tế trong khu vực, QL4 khi được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, giao thương hàng hóa khu vực biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo và phục vụ tốt an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai. Do đó, việc đầu tư xây dựng thông tuyến và đồng bộ toàn tuyến QL4 hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách", cử tri kiến nghị.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, quốc lộ 4 thuộc Vành đai 1, là quốc lộ chính yếu khu vực phía Bắc, quy mô quy hoạch đường cấp IV-III, 2 làn xe. Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du, miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng.
"Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang về sự cần thiết nối thông và đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ này nhằm kết nối tỉnh Hà Giang với tỉnh Lào Cai để phát huy hiệu quả tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho nhân dân trong vùng, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách; phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên cho đến nay, Bộ GTVT chưa thể cân đối bố trí nguồn vốn cho tuyến quốc lộ này", Bộ GTVT cho biết.
Theo Bộ GTVT, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối được khoảng 3.900 tỷ đồng để nghiên cứu triển khai và hoàn thành các dự án: Dự án đường cao tốc nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) – đoạn qua tỉnh Hà Giang; QL279 đoạn Việt Vinh – Nghĩa Đô.
Đồng thời, hiện UBND tỉnh Hà Giang cũng đang chủ trì tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn từ Tân Quang đến cửa khẩu Thanh Thủy).
"Đối với khoảng 20km đoạn tuyến qua đèo Tây Côn Lĩnh thuộc dự án nâng cấp quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai chưa được đầu tư hoàn thành, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp để sớm triển khai đầu tư, nối thông tuyến đường và nghiên cứu nâng cấp quốc lộ 4 khi đủ điều kiện nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án.
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến quốc lộ nêu trên để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận