Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc về viêc đường quốc lộ 2 đoạn từ TP Phúc Yên đến TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xuống cấp, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và dễ gây tai nạn giao thông. Từ đó, cử tri đề nghị Bộ GTVT có cơ chế để tỉnh được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp quốc lộ 2 để đảm bảo giao thông thuận lợi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư nên đã đạt được những kết quả nhất định.
Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có mật độ đường giao thông toàn tỉnh cao hơn trung bình của cả nước với nhiều công trình kết nối nội vùng, liên vùng đã và được tập trung đầu tư như: tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hệ thống các tuyến quốc lộ 2, quốc lộ 2C; hệ thống đường vành đai…, cùng nhiều công trình hạ tầng giao thông khác đã góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối giao thông giữa các huyện, thành phố trong nội bộ tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Bộ GTVT ủng hộ phương án giao cho địa phương bố trí ngân sách để đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có tuyến quốc lộ 2 đoạn từ thành phố Phúc Yên đến thành phố Vĩnh Yên như kiến nghị của cử tri. Phương án này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của Đảng, Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực để tạo đột phá cho việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo pháp luật hiện hành về giao thông đường bộ và ngân sách nhà nước, quy định việc đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT nên các địa phương chưa thể bố trí ngân sách địa phương để đầu tư, quản lý, bảo trì các công trình này.
Tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Luật Đường bộ dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), trong đó căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và khả năng bố trí nguồn lực của địa phương sẽ xem xét giao cho các địa phương được phép đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì đoạn tuyến.
"Trong năm 2024, Bộ GTVT đã bố trí khoảng 63 tỷ đồng để sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến, dự kiến công tác sửa chữa sẽ được triển khai thực hiện trong Quý I/2024", Bộ GTVT cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận