Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị các chủ đầu tư, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đối với dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Bộ GTVT cho biết, sau hơn một năm triển khai kể từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương, các địa phương và các cơ quan liên quan đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu xây lắp và đang triển khai thi công 7/8 gói thầu.
Tuy nhiên, sau 3 tháng kể từ thời điểm khởi công, công tác triển khai thi công tại công trường còn chậm, chủ yếu là xây dựng lán trại, huy động máy móc thiết bị, tập kết vật liệu, đào bóc hữu cơ, thi công đường công vụ.
Đối với các gói thầu đã khởi công xây dựng, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khẩn trương hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công; Xây dựng giải pháp về nguồn cung cấp vật liệu trong giai đoạn trước mắt khi chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ; Huy động tối đa nguồn lực triển khai thi công đường công vụ, nền đường cao tốc và các công trình trên các đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng.
Đặc biệt, tại dự án thành phần 2, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất chậm. Đến nay, mới bàn giao mặt bằng khoảng 7% tổng diện tích mặt bằng phục vụ thi công dự án.
Chậm bàn giao mặt bằng cũng đang là tình trạng dự án Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 gặp phải.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tính đến trung tuần tháng 9/2023, dự án thành phần 1 chưa được bàn giao mặt bằng, dự án thành phần 2 mới bàn giao được khoảng 6%, không đảm bảo công địa để triển khai thi công trên hiện trường. Tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác kiểm đếm chậm; Đơn giá bồi thường GPMB chưa được phê duyệt; Chưa thực hiện các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Riêng dự án thành phần 1 đi qua khu vực đất do Trường Giáo dưỡng số 4 thuộc C10 - Bộ Công an quản lý chưa được thu hồi do vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh - quốc phòng.
Khu vực đất do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý cả hai dự án thành phần đi qua cũng chưa thể thu hồi do chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ khác; Việc triển khai các khu tái định cư phục vụ GPMB chưa đáp ứng yêu cầu...
Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm đếm, xây dựng đơn giá bồi thường và thực hiện chi trả; Lập phương án và thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến việc thi công để bàn giao 70% mặt bằng cho dự án trong tháng 10/2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng trước 31/12/2023.
"UBND tỉnh Đồng Nai cũng cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc thu hồi đất an ninh quốc phòng, tái định cư.
Đồng thời, có ý kiến để Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty cao su Đồng Nai tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB phần đất trồng cây cao su, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án", Bộ GTVT đề nghị.
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2023, tập trung ưu tiên đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đủ mặt bằng để thi công dự án.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5km, được chia thành 3 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe (quy mô hoàn thiện/phân kỳ tùy từng đoạn tuyến).
Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài gần 54km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô phân kỳ 4-6 làn xe. Tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận