Bộ GTVT vừa có công điện đề nghị các Ban QLDA: 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục khai thác mỏ vật liệu và bãi đổ thải dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2).
Công tác GPMB, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường hiện vẫn chưa đáp ứng được tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (Ảnh minh họa).
Công điện nêu rõ, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang được Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác mỏ vật liệu và bãi đổ thải gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng nhiều đến công tác tổ chức thi công.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án (ban QLDA) chủ trì cùng các nhà thầu làm việc ngay với các sở, ban ngành của địa phương rà soát các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND tỉnh để kịp thời trình HĐND xem xét, chấp thuận tại kỳ họp giữa năm 2023 (dự kiến tổ chức vào giữa tháng 7/2023).
“Giám đốc ban QLDA chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT nếu để xảy ra chậm trễ khi các thủ tục liên quan phải trình HĐND, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải và tiến độ chung của dự án”, công điện nêu.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các ban QLDA chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tập trung ưu tiên giải quyết các vướng mắc đối với các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu chưa triển khai thi công được và bàn giao các đoạn tuyến còn lại; Sớm hoàn thiện các thủ tục để di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng các khu tái định cư.
Các ban QLDA cũng phải chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện trình tự thủ tục, sớm đưa vào khai thác các mỏ vật liệu đã được địa phương cấp Bản xác nhận khối lượng khai thác; Đẩy nhanh công tác lập, trình và chấp thuận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đối với các mỏ vật liệu còn lại, đảm bảo nhu cầu của dự án.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến cuối tháng 6/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 608 km (đạt hơn 84%). Tuy nhiên, diện tích mặt bằng có thể thi công mới đạt hơn 523 km (đạt 72,5%).
Về mỏ vật liệu, các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát.
Đối với khu vực ĐBSCL, đến nay, tỉnh An Giang đang triển khai các thủ tục để bố trí khoảng 1,1 triệu m3, Vĩnh Long khoảng 1,1 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí được khoảng 1,9 triệu m3 (dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu m3).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản làm rõ thêm về thủ tục, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã thành lập 2 tổ công tác liên Bộ để làm việc với các tỉnh, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu thi công dự án”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận