Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý các cơ quan tuyệt đối không để vì chạy theo tiến độ mà xuê xoa với chất lượng văn bản QPPL xây dựng |
Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL
Phát biểu tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, 9 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL. Một số đơn vị đã trình sớm so với kế hoạch để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Riêng trong tháng 9, Bộ đã trình Chính phủ 3 dự thảo Nghị định quan trọng gồm Nghị định ban hành quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải, Nghị định về lao động hàng hải và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Cũng trong tháng 9, các đơn vị đã trình Bộ trưởng ký ban hành 7 Thông tư, đạt 100% kế hoạch.
Cũng theo bà Nga, trong tháng 10/2014, các cơ quan đơn vị phải hoàn thành xây dựng 27 văn bản QPPL, trong đó có Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa; Nghị định quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng và Nghị định của Chính phủ về niên hạn sử dụng đối với phương tiện thuỷ nội địa…
Liên quan đến tình hình xây dựng và phê duyệt các đề án, chiến lược, quy hoạch, Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Thị Kiều Nguyệt cho biết, trong tháng 9/2014, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ 4 điều chỉnh quy hoạch quan trọng gồm: Điều chỉnh Quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Điều chỉnh Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020. Trước đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ 4 đề án khác gồm Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải và công nghệ thông tin ngành Hàng hải đến năm 2020, định hướng sau năm 2020; Đề án Tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT; Đề án Thành lập cơ quan quản lý cảng; Đề án Tổng thể về đầu tư kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc mở đường bay hàng không dân sự ra quần đảo Trường Sa.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê duyệt 22 đề án, trong đó có nhiều Đề án quan trọng như: nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ GTVT, Thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng năm 2030.
Phải thể hiện sự minh bạch, đột phá trong chính sách
Nhấn mạnh công tác xây dựng văn bản QPPL là nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị chủ động hơn nữa, đảm bảo xây dựng dự thảo văn bản QPPL có chất lượng. “Những văn bản QPPL trong lĩnh vực giao thông liên quan rất nhiều đến hoạt động của DN, người dân, do đó, tuyệt đối không để vì chạy theo tiến độ mà xuê xoa với chất lượng”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, nguyên tắc là xây dựng văn bản QPPL, Đề án là tuân thủ đúng tinh thần của Hiến pháp 2013, tức là tăng quyền cho con người, cho DN. “Văn bản xây dựng phải theo tinh thần của Hiến pháp mới, giúp tăng cường cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp triệt để, tránh ôm đồm, đảm bảo mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả. Văn bản phải khách quan, thể hiện sự minh bạch, sự đột phá trong chính sách”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lưu ý cơ quan liên quan trong thời gian tới phải tập trung xây dựng Đề án xã hội hoá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đề xuất cơ chế chính sách chung cũng như cơ chế cho từng lĩnh vực cụ thể…
Ngân Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận