Anh Lê Trọng Hà kiểm tra bồn ủ giun quế, nguồn thức ăn chính của lợn hữu cơ |
Khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ, không ít chủ doanh nghiệp (DN) cay đắng chỉ thu về... “khoản nợ”, thậm chí tiêu tán tài sản. Tuy nhiên, với niềm đam mê muốn tạo ra những sản phẩm sạch cho cộng đồng, họ chưa bao giờ nản chí.
"Cắm" nhà, "cắm" xe làm xúc xích lợn giun quế
Vục tay vào bể đất mùn, anh Lê Trọng Hà, chủ trang trại lợn giun quế AnDong Farm (An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình) bốc lên một vốc giun đỏ ngoe nguẩy rồi chìa ra cho khách xem: “Ngửi đi, không có mùi gì đâu. Lợn, gà ăn thứ này thịt thơm, ngon phải biết!”. Nghe tiếng nhạc thính phòng du dương từ các chuồng lợn bắt đầu cất lên, anh Hà bảo: “Đến giờ cho lợn tắm nắng, nghe nhạc rồi”.
Để có cơ ngơi là trang trại theo mô hình hữu cơ, rộng hơn 2ha như hôm nay, anh Hà đã phải vét hết vốn liếng, tài sản dành dụm đem “nuôi” lợn. “Hơn một năm trước, tôi cùng hai người bạn góp vốn gần 1 tỷ đồng gây dựng trang trại. Ngày đầu ai cũng hào hứng, tâm huyết lắm với mô hình chăn nuôi hữu cơ khép kín: Lợn ăn giun quế; phân thải ra đem ủ nuôi giun thành đất mùn để trồng rau, cỏ lại đem nuôi gà lợn…Thậm chí còn nghĩ tới việc xuất bán đất mùn cho các hộ dân trên thành phố trồng rau sạch”, anh Hà kể.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang hoàn thiện hồ sơ bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để trình Bộ KH-CN phê duyệt. Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. |
Lứa lợn đầu, anh Hà mạnh dạn nuôi 100 con được gom từ các hộ dân xung quanh. Kỹ thuật nuôi lợn sạch đúng quy trình từ 5-6 tháng sẽ được xuất chuồng với trọng lượng từ 80kg tới 1 tạ hơi. Sau mỗi tháng lại thả tiếp 30 con. Mỗi ngày, trại sẽ đủ sức cung ra thị trường 3 con với giá hơn 9 triệu đồng/con. Từ cách tính “đếm cua trong lỗ” ấy, ai cũng tràn đầy hi vọng! Thế nhưng, “đời không như mơ”, sau một thời gian dài chăn nuôi, lứa lợn đầu cứ chết dần vì sức đề kháng quá kém, không thích nghi với môi trường chăn thả tự nhiên; số con sống sót cũng còi cọc, chậm lớn.
Không chấp nhận cảnh “lợn còi tốn cám”, anh Hà quyết định đi tìm giống lợn khác, gây dựng từ đầu. “Tìm hiểu được giống lợn 3 màu ở Hưng Yên, tôi lặn lội sang tận nơi học cách chăn nuôi, rồi lại huy động vốn nhập về trang trại. Quả thực, giống lợn này thích nghi với chăn nuôi hoàn toàn tự nhiên. Lợn ăn giun quế lớn nhanh, 6 tháng đã được bán, chất lượng thịt thơm ngọt. Tuy nhiên, ngày xuất chuồng cũng là lúc giá lợn rớt thê thảm, kịch đáy. Thịt lợn bên ngoài rẻ như cho, đã vậy đầu vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch lại vô cùng gian nan. Lợn không thể cứ ì mãi trong chuồng, đành huy động anh em tự mổ, tự bảo quản rồi rao bán trên mạng. “Tuần đầu được 3 con, tuần tiếp theo bán được 1 con. Cắt đầu, đuôi lỗ mất khoảng 2 triệu đồng/con", anh Hà nhớ lại.
Khó khăn chồng chất khó khăn, ngay khi vốn đã cạn kiệt, 2 người bạn đồng hành lại bỏ cuộc vì thấy đầu tư mãi không sinh lợi. “Lúc đó, tôi cũng tính tới phương án chấm dứt, vứt bỏ hết”, anh Hà ngậm ngùi. Thế nhưng, lúc bị dồn vào đường cùng cũng là khi ý chí bật dậy, anh Hà đem giấy tờ nhà cửa, xe ô tô vào ngân hàng thế chấp vay vốn quyết vực lại lần nữa. Lần này, không những cải tổ lại hệ thống chuồng trại, anh Hà còn lao vào đầu tư công nghệ sản xuất các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giun quế như giò, xúc xích, thịt hun khói...
Nghe thấy ở đâu có triển lãm, hội thảo về thực phẩm sạch, anh Hà cũng lao đến và tiếp thị sản phẩm. Sản phẩm mới, giá lại cao hơn khoảng 30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, lại là bước cản lớn đối với người tiêu dùng. “Muốn giảm giá, mẫu mã đẹp chỉ còn cách cho thêm chất độn và chất bảo quản nhưng lương tâm mình không cho phép. Xúc xích là món ưa thích của trẻ em. Mình muốn các con cháu mình và tất cả các em bé khác phải được vô tư ăn món ưa thích của chúng. Đây cũng là điều khác biệt để chiếm niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu xúc xích lợn giun quế ”, anh Hà quả quyết.
“Cái khó bó cái khôn”, khi đơn đặt hàng bắt đầu tăng cũng là lúc “đói vốn” để đầu tư mở rộng sản xuất. “Nguồn thu bán hàng hiện chỉ đủ… trả lương cho nhân viên và tiền thuê trụ sở”, anh Hà chia sẻ.
Chị Phạm Thị Kiều Oanh và cánh đồng gạo rươi tại Hải Phòng |
Dành trọn tình yêu cho gạo ruộng rươi
Cũng giống như bao chủ DN khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ, chị Phạm Thị Kiều Oanh, Giám đốc Dự án Gạo ruộng rươi (xã Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng) không đặt lợi nhuận là mục tiêu chính. “Năm 2012, cầm trên tay kết luận mắc bệnh tiểu đường mà tôi sững sờ không thể tin nổi, bởi lúc đó mình mới 32 tuổi. Tìm hiểu chế độ dinh dưỡng, tôi mới phát hiện gạo lứt rất tốt đối với bệnh nhân tiểu đường. Trong đầu chợt lóe lên ý nghĩ sẽ làm gạo lứt sạch để mọi người cùng cảnh ngộ được ăn”, chị Oanh nhớ lại.
Ấp ủ đam mê, chị lao vào tìm hiểu kỹ thuật canh tác lúa sạch. Không biết bao chuyến vào Nam, ra Bắc, chị Oanh tự mình đi khảo sát vùng trồng nguyên liệu nhưng đều trở về trong thất vọng. Đúng lúc tưởng chừng như phải từ bỏ, chị Oanh gặp một người bạn giới thiệu vùng quê nuôi rươi tại Hải Phòng, chỉ trồng được một vụ lúa với năng suất thấp bởi lối canh tác hoàn toàn tự nhiên. "Được lời như cởi tấm lòng", chị Oanh phi xe về nơi chỉ dẫn.“Các chủ ruộng rươi hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật vì những loại hóa chất này gây hại cho con rươi. Trong quá trình sinh trưởng của rươi, chúng để lại một phần cơ thể trong bùn đất, trở thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý báu cho thực vật tại đây. Lúa và rươi đã tạo nên một môi trường cộng sinh lý tưởng, để phát triển những sản phẩm hữu cơ an toàn”, chị Oanh dẫn giải. Và Dự án Gạo ruộng rươi chính thức ra đời vào tháng 4/2016.
Nhớ lại những ngày đầu lội ruộng cùng người dân làm đất, ủ phân… theo đúng quy trình hữu cơ, chị Oanh chia sẻ: “Những người nông dân ở vùng rươi không mấy ai tin một cô gái từ Hà Nội như tôi lại có thể theo đuổi được dự án. Ngay cả bố mẹ khi hay tin cũng quở trách sao đang làm dân văn phòng mát mẻ lại lao ra ruộng làm nông dân? Rồi tới chồng con cũng phản ứng vì mình dành thời gian cho dự án quá nhiều, kinh tế cũng đổ cả vào gạo rươi… Sau cùng, thấy tôi quá đam mê, dần dần mọi người đều ủng hộ”.
Kết quả, vụ lúa đầu tiên, năng suất đạt được quá thấp, một sào ruộng chỉ thu về 80-90kg thóc, đó là chưa kể tỷ lệ hạt lép rất nhiều. “Bình thường 1kg thóc được 7 lạng gạo nhưng thóc của mình chỉ được khoảng 5 lạng”, chị Oanh cho hay. Máy xát ở địa phương không đạt tiêu chuẩn, nghiền nát hết gạo, chị Oanh lại phải mang thóc từ Hải Phòng sang Nam Định đặt hàng một DN chế biến theo công nghệ hiện đại có chế độ xát rối, tách màu loại bỏ sạn, hạt sâu, hạt đen. Thế nhưng, do lượng hàng chưa được 1 nửa công suất mỗi mẻ xát, chị Oanh bị từ chối thẳng thừng. Nản vì quá cực, chị Oanh giãi bày thực với chủ DN kia rằng: “Không phải vì mưu cầu lợi nhuận mà chỉ vì hạt gạo này nó quý với người bệnh lắm…”. Trân trọng tấm chân tình ấy, đơn hàng của chị Oanh cuối cùng cũng được đối tác chấp thuận.
Lúc thành phẩm mới chính là khi cuộc chiến trên thương trường bắt đầu. Trong khi giá gạo lứt và các loại gạo khác trên thị trường từ 12 - 22 nghìn đồng/kg thì gạo ruộng rươi bán giá 55 nghìn đồng/kg. “Sản xuất được ra sản phẩm hữu cơ đã rất khó, làm thế nào để người tiêu dùng tin rằng có sản phẩm sạch thật lại càng khó hơn, nhất là khi thực phẩm bẩn đang bủa vây trên thị trường”. Qua mấy vụ lúa, dự án của chị Oanh vẫn chưa thể thu hồi được vốn. Hiện, chị Oanh vẫn làm kế toán cho DN tư nhân và dành trọn tiền lương hàng tháng để “nuôi” gạo rươi. “Con đường khởi nghiệp nông nghiệp không hề màu hồng, nhưng tôi tin cứ làm những điều mình đam mê rồi chắc chắn sẽ thu được quả ngọt. Kiến thức, vốn là chưa đủ mà hơn hết muốn làm nông nghiệp hữu cơ phải có sự kiên trì và truyền được sự đam mê để kết nối, thay đổi nhận thức cộng đồng”, chị Oanh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận