Bước đột phá để xóa bỏ chênh lệch giá đất ảo - giá thật
Sáng 21/7, tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương bỏ khung giá đất đã được các cơ quan thống nhất sau khi thảo luận kỹ lưỡng "từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới".
Theo đó, để hoàn thiện cơ chế xác định giá đất trong thời gian tới, Nghị quyết 18 đề ra một định hướng rất đáng chú ý, đó là bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Giá đất phải được công khai và mọi giao dịch thông qua sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra một định hướng rất đáng chú ý, đó là bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là được coi là bước đột phá để xóa bỏ chênh lệch giá đất ảo – giá thật, tạo cơ sở để các địa phương xác định giá đất sát với thị trường.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, hiện đang áp dụng khung giá đất thấp so với giá thị trường, gây nên thất thoát thuế, góp phần tạo ra trục lợi, tham nhũng đất đai.
"Giả sử giá đất Nhà nước chỉ bằng 30% giá đất thị trường, như vậy chỉ thu được 30% tiền thuế so với thực tế. Ở các nước, tính thuế đất phải thu theo giá thị trường. Nhưng của ta là thu theo khung Nhà nước, dẫn đến chỉ thu được 1/3, còn 2/3 là thất thoát", GS.TS Đặng Hùng Võ ví dụ.
GS.TS Đặng Hùng Võ
GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng câu chuyện bỏ khung giá đất như Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa xác định là hoàn toàn hợp lý. Nhất là Nghị quyết đã khẳng định bỏ khung giá đất nhưng Trung ương vẫn sẽ quản lý việc thành lập, thiết lập bảng giá đất tại địa phương thông qua quá trình kiểm tra, giám sát của các cơ quan ngoài Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, người dân.
"Nghị quyết đã nêu rất rõ ràng không phải bỏ khung giá đất có nghĩa là bỏ sự quản lý của Nhà nước đối với việc định giá đất ở địa phương. Mà thay vào đó là nâng cao việc thanh tra, kiểm tra của bộ máy hành chính Trung ương, của các tổ chức chính trị xã hội, người dân đối với việc xây dựng bảng giá đất của các địa phương", ông Võ nói.
Giúp đẩy nhanh tiến độ của các dự án
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì nhận định, kinh tế Việt Nam được định hướng phát triển theo cơ chế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa, cho nên bất kỳ ngành nghề nào, kể cả bất động sản phải phát triển theo nguyên tắc thị trường cung - cầu.
"Thực tế, khung giá đất cũng mang lại một số lợi ích khi làm căn cứ tính giá đất, mỗi khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế, giá đất được định giá theo khung giá đất thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật trên thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng một số dự án bị chậm tiến độ do người dân không đồng tình với giá trị đền bù khi giải phóng mặt bằng", ông Thịnh nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng, tại Hà Nội, không ít dự án trọng điểm, như đường vành đai 2, vành đai 2,5 bị chậm tiến độ do một số hộ dân không chịu giải phóng mặt bằng, vì giá trị đền bù thấp.
Hiện nay, rất nhiều nhà tập thể được xây dựng từ thập niên 50, 60 đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tòa nhà còn trong tình trạng "chờ sập" nhưng không thể cải tạo được vì người dân "chê" chi phí đền bù thấp. Vì vậy, việc bỏ khung giá đất, khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ dựa vào cơ chế thị trường để tính giá trị đền bù đất, như thế sẽ phá bỏ được sự chênh lệch giữa giá trị thật, và giá trị ảo.
Bên cạnh đó, việc bãi bỏ khung giá đất, đưa thị trường bất động sản về cơ chế thị trường sẽ giúp Việt Nam có thêm dòng thu ngân sách từ thuế giao dịch bất động sản.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, trong Nghị quyết 18-NQ/TW lần này cũng khẳng định việc bỏ khung giá đất là nhằm nâng cao tính thương mại hóa của quyền sử dụng đất.
"Đây là quyết định rất quan trọng, từ đó dẫn ra một loạt các việc tiếp theo rất mới của Nghị quyết. Đó là cần luật hóa chế độ gọi là bất động sản đa công năng hay nói cách khác là đất được sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó có đất quốc phòng an ninh sử dụng vào thương mại, đất tôn giáo tín ngưỡng mà có phần gắn với cơ chế về đất thương mại", ông Thịnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận