Bản thiết kế thể hiện các phương án làm cửa lên - xuống của ga tàu điện ngầm. |
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo số 485 về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP về phương án bố trí Ga ngầm C9 thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá cao sự quan tâm, góp ý, trao đổi thẳng thắn của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các giáo sư, nhà khoa học, lãnh đạo các Hội đối với chủ trương cùa Thành phố về việc triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) nói chung và phương án bố trí Ga ngầm C9 thuộc Dự án này nói riêng.
Nhấn mạnh mong muốn xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một văn minh, hiện đại, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa (vật thể, phi vật thể) của Hà Nội nói chung và của khu vực Hồ Gươm nói riêng, UBND Thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học đều thống nhất đánh giá quá trình nghiên cứu đã được tiến hành công phu, tỷ mỉ, kỹ lưỡng, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đối với di sản phải bảo tồn, đảm bảo sự an toàn, thuận tiện cho người sử dụng; cơ bản thống nhất với vị trí bố trí thân Ga, các công trình phụ trợ, Cửa lên xuống số 1,2,4.
Đối với vị trí Cửa lên xuống số 3, thành phố giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu bổ sung thêm phương án bố trí cửa lên, xuống nằm trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng; so sánh giữa phương án hiện tại với phương án nghiên cứu bổ sung (về kỹ thuật, an toàn, giao thông, về mức độ ảnh hưởng đối với di sản, hiệu quả kinh tế...), trên cơ sở đó, lập luận, đề xuất Phương án chọn. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/12.
Giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội nghiên cứu phương án kiến trúc, vật liệu xây dựng của các cửa lên xuống và các công trình phụ trợ, đảm bảo văn minh, hiện đại, đồng thời phải có bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội và gắn với cảnh quan khu vực, báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các Sở: Văn hóa và Thể Thao, Du lịch thẩm định, báo cáo UBND Thành phố. Nghiêm túc tuân thủ thực hiện những nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về di sản văn hóa và có phương án cụ thể, báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, giải quyết trước khi triển khai.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt vị trí 8/10 ga của dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Riêng nhà ga C9 (ga ngầm) được lựa chọn vị trí ở khu vực hồ Gươm nên ngoài việc phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí của ngành đường sắt và các yêu cầu khác như cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy... còn phải đảm bảo ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan di tích lịch sử này.
Theo phương án thiết kế, hai lối lên xuống số 3 và 4 đều nằm trong khu vực bảo tồn của di tích lịch sử quốc gia hồ Gươm nên khi tính toán vị trí đặt, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu rất kỹ. Dự kiến ban đầu, hai lối lên xuống này sẽ không bố trí mái che, chỉ có lan can đơn giản đảm bảo an toàn xung quanh kết hợp với cây xanh, để làm sao ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan hồ Gươm.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận