Ảnh minh họa. |
Khoảng dăm năm trước, nhắc đến các công trình xây dựng giao thông là mọi người lại gắn ngay với những điệp khúc chẳng mấy hay ho, nào là đội giá, suất đầu tư cao ngất, hay quay cuồng với vòng xoáy vượt giá, dẫn đến hệ lụy là cùng hò nhau xin điều chỉnh, bổ sung vốn...
Tuy nhiên, giờ đây, tất cả những điều đó gần như bị loại bỏ khi ngành GTVT triển khai những giải pháp quyết liệt với mục tiêu cuối cùng là tiết giảm tối đa tổng mức đầu tư. Thậm chí, người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có “chỉ lệnh” bất di bất dịch, ai chi vượt người đó phải tự bỏ tiền ra bù.
Và gần như ngay lập tức, chủ trương này đã thu về những kết quả vượt ngoài mong đợi. Chỉ riêng trong năm 2014, qua rà soát 44 dự án, ngành GTVT đã tiết giảm được con số khổng lồ, lên đến gần 40 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng còn rất lớn.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu - Đường Việt Nam, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với công tác đầu tư hạ tầng giao thông thẳng thắn cho rằng, việc tiết giảm tại các dự án giao thông là điều đặc biệt có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc này cũng cần được hiểu một cách đầy đủ. Mục tiêu của Bộ GTVT rà soát về quy mô đầu tư để cân đối, phù hợp và tiết kiệm về kinh tế trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp hiện nay chứ không phải là bớt tiền, bớt quy mô, tiêu chuẩn. Rà soát lại nhưng vẫn phải chấp nhận được và nằm trong quy hoạch để sau này có vốn thì tiếp tục thực hiện.
Nói điều đó để thấy, dù có tiết giảm như trên vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, nhân đây cũng cần đề cập tới một thực tế đã từng tồn tại rất phổ biến trong nhiều năm trước. Tâm lý chung của các chủ đầu tư, nhà thầu, nhất là các đơn vị tư vấn thiết kế thường chuộng sự hoành tráng và thích những kỷ lục. Chẳng hạn như cầu dây văng dài nhất châu Á, cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, cầu cao nhất Việt Nam...
Thậm chí, nhiều dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay nhưng lại luôn đặt mục tiêu thiết kế phải hiện đại nhất, đẹp nhất, hoành tráng nhất mà không đặt ra những lộ trình thực hiện từng bước. Điều này chẳng khác gì người nghèo nhưng luôn thích xài sang. Tâm lý này cần phải được gỡ bỏ và triệt tiêu hoàn toàn đối với những nhà thiết kế để các công trình, dự án giao thông thực sự đạt được hiệu quả đầu tư, đồng thời mang lại vẻ đẹp, sự hài hòa cho các công trình, dự án giao thông trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận