Đề cập đến tình hình nông nghiệp, nông thôn 10 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 25,85 tỷ USD (tăng 13%). Trong khi đó, về xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát - ảnh K.T |
“Giải pháp căn cơ là triển khai chủ trương tái cơ cấu và phát triển bền vững theo QĐ 899 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành tháng 6/2013), năm qua Bộ đã triển khai nhiều biện pháp như thực hiện 16 đề án, trong đó có 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy lợi… và 6 đề án cụ thể hóa các giải pháp thực hiện chủ trương này, đó là phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất…”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Cũng theo Bộ trưởng NN&PTNT, Chính Phủ đã hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại ĐBSCL, phát triển chăn nuôi nông hộ, thủy sản, bảo vệ phát triển rừng, đổi mới các nông lâm trường quốc doanh. Hầu hết các địa phương đã có đề án và kế hoạch, lựa chọn và ưu tiên lĩnh vực để triển khai nghị định của Chính phủ. Hơn 100.000 ha trồng lúa đã chuyển sang trồng màu và cây trồng khác hiệu quả hơn.
“Nhiều địa phương trồng giống lúa chất lượng và giá cao hơn từ 7.000 – 8.000/kg chứ không ở mức 5.000 – 6.000/kg như trước. Có hơn 120.000 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn”, ông Cao Đức Phát nói.
Liên quan đến tình hình sản xuấy lúa gạo và chăn nuôi, ông Cao Đức Phát cho biết, sản xuất lúa gạo cần được phát huy để nâng cao thu nhập cho nông dân. Một mặt Bộ NN&PTNT xây dựng đề án và triển khai nâng cao hiệu quả trồng lúa theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành và hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học công nghệ để có hiệu quả sản xuất tốt hơn. Mặt khác, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp sửa đổi một số văn bản để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn.
Về phát triển chăn nuôi đã chuyển biến theo hướng chăn nuôi công nghiệp nhưng sức cạnh tranh của ngành còn thấp vì 60% đàn gia súc gia cầm là tại các hộ chăn nuôi nhỏ. Vì vậy để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi và mở cửa thì ngành nông nghiệp đang thực hiện khuyến khích chăn nuôi công nghiệp và hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn.
Trước gợi ý của ĐB Đỗ Ngọc Liễn (Bình Thuận) về phát triển đánh bắt trên biển, Bộ trưởng NN&PTNT thông tin: Qua cuộc tổng điều tra vừa qua cho thấy trữ lượng hải sản trên biển khoảng hơn 4 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm 2 triệu tấn nhưng trong năm 2013 chúng ta đã khai thác 2,5 triệu tấn. Với cơ cấu đó, trong khi vùng ven bờ chỉ nên khai thác 700.000 – 800.000 tấn thì chúng ta khai thác 1,5 triệu tấn. Vùng xa nên khai thác 1,3 triệu tấn thì mới khai thác 900.000 tấn.
“Bộ sẽ khuyến khích và hỗ trợ ngư dân công cụ để đánh bắt biển xa. Đối với ngành này, cái chính là nâng cao hiệu quả đánh bắt. Riêng việc cải tiến công nghệ bảo quản trên tàu cá đã giúp nâng giá trị 30%. Thí điểm vừa qua với cá ngừ ở Bình Định đã giúp nâng giá trị cá ngừ lên 8 – 10 lần”, ông Cao Đức Phát nói.
Trong khi đó, đối với ngành cá tra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dù có nhiều lợi thế nhưng đang rơi vào khó khăn nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 về chính sách đối với việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Bộ NN&PTNT cũng ban hành thông tư hướng dẫn nghị định này nhưng còn thiếu thông tư về giá sàn và thu lệ phí, nhưng việc đó chưa cản trở nhiều.
“Bộ đã phối hợp Hiệp hội cá tra tổ chức đăng ký và sau 1 tháng tiếp nhận 5.000 hồ sơ xuất khẩu cá tra. Hiện chúng tôi đang nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường, trước hết là với Nga khi phía bạn đã mở cửa với 9 DN và đang tiếp tục thẩm tra để mở cửa thêm với các DN khác”, ông Cao Đức Phát cho hay.
Tiến Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận