Xã hội

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Bảng giá đất đầu tiên dự kiến có trong năm 2025

21/06/2023, 18:54

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi Luật Đất đai có hiệu lực, sẽ xây dựng bảng giá đất đầu tiên, dự kiến xong trước 31/12/2025.

Xây dựng bảng giá đất, cập nhật hàng năm

Phát biểu tiếp thu, giải trình cuối phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 21/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai.

img

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Bởi đây là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư.

Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất, ông Khánh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hàng năm. Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ xây dựng bảng giá đất hàng năm lần đầu tiên và dự kiến sẽ xong trước ngày 31/12/2025.

"Lần đầu tiên xây dựng bảng giá đất nên sẽ mất nhiều thời gian vì dùng nhiều phương pháp để có mức giá sát với thị trường. Sau khi có bảng giá đất, hàng năm sẽ cập nhật thay đổi dựa theo bảng giá này", ông Khánh cho biết.

4 phương pháp định giá đất

Về phương pháp tính định giá đất, dự thảo Luật đưa ra 4 phương pháp, gồm: So sánh trực tiếp; Chiết trừ; Thu nhập và Hệ số điều chỉnh. Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, các phương pháp này sẽ bao trùm mọi trường hợp liên quan đến đất đai hiện nay.

"Với phương pháp so sánh trực tiếp sẽ sát giá thị trường. Hơn nữa, hiện nay có bảng giá đất hàng năm nên khi ký hợp đồng giao dịch, việc thu thuế sẽ căn cứ vào bảng giá đất hàng năm để thu, từ đó sẽ bớt hiện tượng giảm giá đất khi giao dịch, đảm bảo quyền lợi người mua, bán", ông Khánh nhìn nhận.

Còn phương pháp chiết trừ, theo Bộ trưởng Khánh, sẽ chiết trừ phần tài sản trên đất và sau đó vẫn dùng phương pháp so sánh để tính.

Đối với phương pháp thu nhập, sẽ sử dụng cho các vùng đồng bào thiểu số, vùng đất khó khăn, vùng đất nông nghiệp; trong khi đó, phương pháp hệ số điều chỉnh sẽ tạo thuận lợi cho các khu vực ít có sự thay đổi, ổn định, đầu vào gắn với nguyên tắc thị trường.

"Định giá đất cụ thể, tùy theo trường hợp, địa phương sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào nhưng phải đảm bảo công bằng, tránh tiêu cực, tham nhũng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ưu tiên đấu giá đất

Về thực hiện đấu giá, đấu thầu giao đất, cho thuê đất theo thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ ưu tiên việc đấu giá đất.

Đồng thời, nghiên cứu quy định việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với những dự án trọng điểm, những dự án quan trọng, vì sự cần thiết của địa phương.

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ông Khánh nêu rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cố gắng đưa các điều khoản bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, không chỉ về điều kiện sống, hạ tầng mà còn ở việc chọn vị trí tái định cư.

"Chọn nơi ở mới để vừa ở vừa sản xuất được rất quan trọng, đặc biệt phải phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, phù hợp với tính cộng đồng, phù hợp với dân tộc. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu để quyết định chúng ta tái định cư như thế nào, từ đó tham khảo đối thoại với nhân dân và chắc chắn sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ, đồng thời, đảm bảo được sinh kế cho nhân dân", ông Khánh nhấn mạnh.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng dự án treo, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, theo Luật quy hoạch đã có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các vùng, các tỉnh và quy hoạch chung đô thị.

Do đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ theo các quy hoạch này và đòi hỏi phải đảm bảo tính đồng bộ mới tránh tình trạng dự án treo.

img

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu)

Định giá đất phải bảo đảm hài hoà lợi ích ba bên

Trước đó, tham gia thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực định giá đất. Đại biểu Tao Văn Giót cho (đoàn Lai Châu) cho rằng, dự thảo Luật quy định còn rất chung, đơn cử như quy định phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ phương pháp trình tự thủ tục đất đai, căn cứ các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất.

"Vậy trình tự, thủ tục và các yếu tố khác cụ thể mà dự thảo Luật nhắc đến là như nào?", đại biểu băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo soạn thảo cần có những quy định cụ thể về các nguyên tắc căn cứ, phương pháp định giá đất đối với từng đoạn, từng loại đất. Những vấn đề còn lại có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ khả thi hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cần phải làm rõ chính sách phù hợp với từng đối tượng khi tính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

"Quan trọng là nhà đầu tư và người dân nếu không đồng thuận thì sẽ khó thực hiện được dự án. Giá đất phải phù hợp trong từng thời điểm thu hồi đất, có lợi cho dân và cũng phải có lợi cho nhà đầu tư để thu hút dự án, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hộ"”, ông Hoà nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.