Dự án huy động được vốn xã hội cần phải ưu tiên đầu tư
Tại hội nghị, sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đề án kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc do Viện Chiến lược và phát triển GTVT xây dựng còn một số vấn đề cần xem xét, chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
“Viện phải tổng hợp những kiến nghị bằng văn bản của các tỉnh để lập thành một phụ lục về những đề xuất liên quan đến các dự án trong 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đồng thời khái toán kinh phí nhu cầu vốn của từng lĩnh vực để khi các bộ, ngành khác có nghiên cứu sẽ thấy ngay được bức tranh tổng thể của hệ thống giao thông miền núi phía Bắc”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, phương án đầu tư trong đề án phải phản ánh tình hình phát triển giao thông chung của hệ thống giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, không chỉ đề cập riêng đến mỗi hình thức đầu tư công.
“Đề án phải phân loại rõ dự án nào là tuyến mới, tuyến nào song hành có thể đầu tư bằng đối tác công tư (PPP), còn tuyến nào làm trên đường hiện hữu, bắt buộc phải làm bằng ngân sách Nhà nước vì đã có Nghị quyết 437/2017 của Quốc hội”, Bộ trưởng yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về danh mục đầu tư các dự án để kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đề án cần chia làm các kịch bản: Đầu tư thấp, đầu tư trung bình và đầu tư cao. Mỗi kịch bản đầu tư cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách, đầu tư bằng PPP có hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn đầu tư toàn bộ bằng BOT.
“Quan điểm của Bộ GTVT là cái gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm, dự án nào huy động được vốn xã hội cần ưu tiên đầu tư”, Bộ trưởng nói và đề nghị, trong đề án, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cần xây dựng thêm phương án thứ 4 về nhu cầu đầu tư giao thông của toàn bộ các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, trong đó nêu rõ khái toán tổng nguồn vốn cho các dự án này.
Làm ngay sân bay Điện Biên, ưu tiên dự án đường bộ hướng tâm
Liên quan đến một số dự án cụ thể trong từng lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, riêng dự án Cảng hàng không Điện Biên sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn của doanh nghiệp Nhà nước để làm ngay trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ kế tiếp. Đối với dự án sân bay Lào Cai sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, khi nào huy động được sẽ làm ngay.
“Tương tự, dự án sân bay Nà Sản (Sơn La) đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ rất khó khăn. Nếu tư nhân đầu tư dự án, chúng ta phải tạo điều kiện để cho tư nhân làm”, Bộ trưởng nói và cho biết, đối với sân bay Vân Đồn được đầu tư bằng BOT đã hoàn thành đưa vào sử dụng, sắp tới, Bộ GTVT sẽ kết hợp với các bộ, ngành liên quan để khai thác hiệu quả sân bay này.
Đề cập đến định hướng đầu tư các dự án đường bộ tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, phải ưu tiên đầu tư các dự án hướng tâm, kết nối các tỉnh với Thủ đô Hà Nội. “Các dự án hướng tâm phải là ưu tiên số một, sau đó mới đến các dự án liên kết ngang để kết nối các tỉnh với trục dọc, trục hướng tâm”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, các dự án ưu tiên đầu tiên phải là những công trình, dự án liên vùng mang tính đột phá.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế cũng đưa ra một số chỉ đạo về việc đầu tư các dự án trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa để hoàn chỉnh đề án kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trước đó, báo cáo về đề án kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, mục tiêu của đề án là đề xuất phương án tăng cường kết nối giao thông nội vùng, liên vùng và quốc tế; sắp xếp ưu tiên các dự án đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 để phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng,…
Về nguyên tắc lựa chọn dự án để đưa vào danh sách sắp xếp ưu tiên đầu tư, trong đề án nêu rõ, đầu tiên là phương thức sẽ ưu tiên các dự án đường bộ bởi đây là phương thức thức chủ đạo, phục vụ đa số nhu cầu, nhất là đường bộ cao tốc đến trung tâm tỉnh, cửa khẩu lớn, đồng thời chưa đầu tư vào tuyến đường song hành khác. Sau đó mới đến các dự án đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Tiếp theo là lựa chọn dự án theo hướng và khu vực sẽ ưu tiên các dự án hướng tâm từ trung tâm các tỉnh về Thủ đô Hà Nội (hướng lưu thông chính) rồi đến các tuyến vành đai kết nối liên tỉnh trong vùng,…
Liên quan đến tiêu chí sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư, trong đề án đưa ra 5 tiêu chí, gồm: Dự án phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương; Dự án tăng cường kết nối, đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng trên phạm vi liên vùng, liên tỉnh, kết nối quốc tế, kết nối đến các khu vực kinh tế động lực của vùng và địa phương, có tác động lớn đến phát triển KT-XH của quốc gia, vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Dự án đang đầu tư chuyển tiếp, đình hoãn, giãn tiến độ nhưng đáp ứng an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, có nhu cầu vận tải cao, dự án mới khởi công đáp ứng nhu cầu vận tải cao; Dự án có khả năng huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho phát triển vùng; Dự án giải quyết yếu tố giao thông độc đạo, dự án đường bộ ở Tây Bắc các tuyến Vành đai QL279, QL37, dự án đảm bảo an toàn giao thông chống sụt trượt mái dốc, ứng phó biến đổi khí hậu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận