Chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác tiếp tục kiểm tra tình hình triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (hay còn gọi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Ưu tiên làm đường công vụ, thi công cầu
Kiểm tra tiến độ thi công tại nút giao IC5, IC3, IC2 thuộc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Bộ trưởng biểu dương tinh thần, sự nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu, nhất là trong việc triển khai thi công cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu nguyên vật liệu.
Dù các địa phương đang phối hợp và cam kết sẽ hỗ trợ, điều phối các mỏ cung cấp cát cho dự án, tuy nhiên đến nay khối lượng cát về công trường vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
"Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư làm việc với các địa phương tăng cường cung cấp cát cho nhà thầu.
Về phía các nhà thầu, tinh thần là phải huy động thiết bị, máy móc tập trung thi công bởi dự án đang chậm tiến độ.
Trong quá trình thi công, khi cát đắp nền còn thiếu, nhà thầu cần ưu tiên làm đường công vụ, cầu vượt, nút giao", Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
CLIP Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra hiện trường dự án Cần Thơ - Cà Mau. Thực hiện: Linh Hoàn Như
Điều phối cát, không để chỗ này thừa, chỗ kia thiếu
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng lại đường găng tiến độ của dự án, gắn liền với nguồn vật liệu cát theo từng giai đoạn.
"Ngoài tiến độ chung, nhà thầu phải làm tiến độ riêng cho từng gói thầu, một ngày chúng ta phải lấy cát từ bao nhiêu mỏ, mỗi mỏ lấy được bao nhiêu cát mới đảm bảo cho việc thi công.
Ngoài ra, gói thầu nào đã đủ cát rồi thì phải điều phối hỗ trợ cho các nhà thầu thi công ở đoạn khác đang thiếu, để lúc chúng ta thiếu thì các nhà thầu khác sẽ hỗ trợ ngược lại. Không để gói thầu này thiếu, gói khác thừa.
Tiến độ thi công đang rất gắt gao, không khẩn trương, không linh hoạt sẽ không làm được", Bộ trưởng chỉ đạo.
Sẵn sàng thi công 3 ca, 4 kíp
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đến nay, tổng giá trị xây lắp của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đạt 13% hợp đồng, trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 16%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau 11,7%. Dự án chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.
Chủ đầu tư đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án bị chậm, trong đó chủ yếu là do tình trạng thiếu nguồn vật liệu cát, căng thẳng nhất là từ đầu tháng 8/2023 đến nay.
Bên cạnh đó, công tác bàn giao nền tái định cư cho hộ dân còn chậm... nên nhiều hộ dân tại các vị trí cầu... chưa bàn giao mặt bằng. Từ đó, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
"Về công tác tổ chức triển khai thi công, Ban cũng đã đề nghị nhà thầu có kế hoạch triển khai thi công ba ca, bốn kíp ngay khi nguồn vật liệu cát được cung ứng về công trường", ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay.
Đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án rất lớn, hơn 18 triệu m3.
Đến nay, các địa phương mới chỉ bố trí được khoảng 3 triệu m3 và thực tế nhà thầu tiếp nhận về công trường đến nay được khoảng hơn 700.000m3.
Cụ thể, tỉnh An Giang cung cấp khoảng 200.000m3, tỉnh Đồng Tháp 500.000m3, tỉnh Vĩnh Long 2.300m3. Trong khi đó, việc thực hiện thủ tục mở mỏ mới còn chậm, khó đáp ứng được yêu cầu tiến độ.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng. Dự án được phân thành hai dự án thành phần, trong đó Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng có một gói thầu xây lắp.
Dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km, mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng, với ba gói thầu xây lắp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận