Ngày 28/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đi kiểm tra hiện trường thi công hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Lãnh đạo Ban Ban quản lý dự án 6 báo cáo tiến độ thực hiện dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu với Bộ trưởng và đoàn công tác.
Cảnh báo đỏ, điều chuyển khối lượng nếu không đáp ứng tiến độ
Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác về tiến độ thi công dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án 6 (chủ đầu tư) cho biết, dự án có chiều dài 50km qua địa phận hai tỉnh Thanh Hóa (6,5km) và tỉnh Nghệ An (43,5km), tổng mức đầu tư là 7.293 tỷ đồng.
Dự án chia làm bốn gói thầu, triển khai thi công từ tháng 7/2021. Đến nay, các nhà thầu đã thi công xong cơ bản phần nền, móng tuyến chính và đường gom.
Ở những đoạn đã thi công xong phần mặt bê tông nhựa, các nhà thầu đang cho lắp đặt hộ lan, hàng rào, dải phân cách giữa và hệ thống an toàn giao thông. Giá trị sản lượng thực hiện ước đạt 4.087/4.395 tỷ đồng (đạt 93,0% giá trị các hợp đồng).
Dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu thông xe tuyến chính vào dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Riêng một số vị trí đường gom, đơn vị xin hoàn thành trong tháng 9.
Căn cứ tiến độ thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ấn định thông xe cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, hiện còn ba đoạn thuộc phạm vi thi công của Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Miền Trung và Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được Ban đưa vào diện cảnh báo đỏ. Nếu trong thời gian tới, các nhà thầu không có thay đổi, rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ về đích của dự án.
Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả hiện thiếu 240 khối cấu kiện để thi công dải phân cách giữa; Tập đoàn Miền Trung chưa tập kết vật liệu để thi công hệ thống hộ lan, rào chắn, lưới chống chói; Vinaconex còn chậm trong công tác huy động vật tư và tổ chức ở hai đội thi công.
Trước phản ánh này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu ba nhà thầu ngay lập tức có phương án để tạo sự chuyển biến. Mục tiêu đã định là ngày 2/9 sẽ thông xe nên lúc này tất cả nhà thầu phải xác định “chỉ có tiến, không có lùi”.
“Dự án bước vào giai đoạn cuối, càng không được chủ quan. Kiểm tra dọc tuyến, tôi thấy có những đoạn làm rất tốt như đoạn đầu tuyến của Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Đèo Cả, nhưng cũng vẫn còn ba đoạn bị cảnh báo nên phải hết sức thận trọng.
Trong dự án này cũng như các dự án cao tốc đang triển khai, Bộ GTVT thống nhất một nguyên tắc: Tất cả phải cùng bắt tay làm. Nhà thầu nào không làm kịp thì cho nhà thầu khác làm thay. Đơn vị này chậm thì tăng cường đơn vị khác. Lúc này, nhà thầu phải xác định vì mục tiêu chung là tiến độ và chất lượng của dự án.
Họp kiểm điểm tiến độ các dự án tôi cũng đã nói rõ: "Đơn vị nào, nhà thầu nào không hoàn thành đúng thì sẽ xử lý theo hợp đồng. Khi đó, sẽ không chỉ dừng lại ở việc phạt tiền mà Bộ sẽ coi nhà thầu đó không đủ điều kiện để tham gia các dự án giao thông của Bộ sau này”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Các nhà thầu đang tập trung thảm bê tông nhựa mặt đường.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giao Ban quản lý dự án 6 điều phối hoạt động thi công trên công trường, linh hoạt điều chuyển khối lượng nếu thấy nhà thầu không đáp ứng.
Đồng thời, lập lại kế hoạch thi công theo từng ngày và giám sát việc thực hiện của nhà thầu.
Bộ trưởng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng theo dõi và báo cáo tiến độ hàng ngày, để ngay khi có vấn đề Bộ sẽ chỉ đạo phương án xử lý ngay.
Đối với hệ thống đường gom, đường dân sinh, cầu vượt chưa xong, phải có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khai thác tuyến chính.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu phân định rõ vai trò nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu trong quá trình triển khai dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Tách bạch vai trò 3 chủ thể để tạo chuyển biến
Tại dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án, đại diện liên doanh nhà đầu tư) báo cáo, tổng giá trị các nhà thầu thực hiện được là 4.035/4.379 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch và đạt 47% giá trị hợp đồng.
Theo tiến độ điều chỉnh lần 3, dự án vẫn đang bị chậm 4,0%. Trong số 8 nhà thầu tham gia thi công, có Công ty Cổ phần 456 và Công ty Thái Sơn thi công vượt khối lượng từ 3-5% so với tiến độ điều chỉnh; Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công sản lượng nhiều nhất, đạt 49%.
Một số vị trí đường găng dự án như hầm Thần Vũ, cầu Hưng Đức, cầu Ô ồ... đều đang đảm bảo tiến độ. Tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp dự án đã giải ngân cho dự án với tổng giá trị là 3.630,62 tỷ đồng.
Dù các nhà thầu đã nỗ lực tăng tốc thi công để bù lại tiến độ bị chậm, tuy nhiên tổng thể tiến độ dự án Diễn Châu - Bãi Vọtvẫn chậm hơn kế hoạch đề ra.
Về mặt bằng, đến nay tỉnh Nghệ An đã cơ bản bàn giao trên toàn tuyến, đủ công địa để thi công. Hiện, chỉ vướng một vị trí đường điện cao thế 110Kv, 200m2 đất nông nghiệp của một hộ gia đình ở xã Hưng Thành, Hưng Nguyên. Các vị trí này đều nằm trên đoạn phải xử lý nền đất yếu, nếu không sớm GPMB sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài ra, các nhà thầu đang gặp khó khi mỏ đất Eo Gió đã được cấp phép nhưng người dân cản trở không khai thác được. Mỏ Sừng Bò và mỏ Rú Đình Ngô nằm ngay sát tuyến cũng chưa khai thác được vì chờ tỉnh hoàn thiện thủ tục cấp phép. Do thiếu đất đắp nên các nhà thầu thi công cầm chừng.
Bộ trưởng đề nghị địa phương sớm giải quyết vấn đề đang còn vướng mắc để các nhà thầu bứt tốc.
Dù đánh giá cao những nỗ lực thi công bù tiến độ của một số nhà thầu nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vẫn cho rằng tiến độ như hiện nay quá chậm.
"Theo tiến độ điều chỉnh, tháng 5/2024 sẽ phải hoàn thành đưa vào khai thác nhưng nếu chủ đầu tư và nhà thầu tiếp tục như hiện nay thì sẽ không thể hoàn thành đúng thời gian.
Dự án đang có vấn đề giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu thi công. Ở đây, cần phải tách biệt ba vai trò: Nhà đầu tư cấp tiền, doanh nghiệp dự án chỉ đạo điều hành phân phối nguồn vốn, nhà thầu nhận tiền và thi công. Sau đó, lấy việc này làm căn cứ để loại bớt nhà thầu yếu kém, nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính", bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng giao Ban quản lý dự án 6 trong tuần tới họp với các bên để chốt phương án, dứt khoát không để dự án bị chậm tiến độ.
Ông yêu cầu Ban quản lý dự án 6 phải nêu cao vai trò quản lý Nhà nước trong dự án, cương quyết loại bỏ nhà thầu yếu kém, điều phối, chuyển khối lượng cho những nhà thầu có năng lực. Nếu ba bên không thay đổi, không có phương án bứt tốc thì dứt khoát xử lý theo hợp đồng.
Đồng thời, đề nghị tỉnh Nghệ An, tập trung gỡ vướng hai điểm về mặt bằng, sớm hoàn thiện thủ tục cấp mỏ theo quy định để các nhà thầu có thêm động lực bứt tốc.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh khẳng định, ngay trong tuần tới tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục cấp phép mỏ cho nhà thầu; chỉ đạo để di dời đường điện 110Kv và tổ chức bảo vệ thi công trong tháng 8.
"Ban quản lý dự án 6, doanh nghiệp dự án tăng cường phối hợp với địa phương. Đối với những vấn đề vướng mắc, phát sinh cần giải quyết ngay có thể điện thoại trực tiếp để lãnh đạo tỉnh nắm được, chỉ đạo xử lý kịp thời", ông Vinh nói.
Trong quá trình kiểm tra hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã tới kiểm tra tiến độ thi công dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 7.
Tại đây, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn từ Km0 – Km5 nối từ quốc lộ 1 lên nút giao cao tốc Bắc - Nam. Bởi đây là đoạn rất quan trọng kết nối cao tốc Bắc - Nam. Nếu không sớm hoàn thành thì đây sẽ trở thành điểm nghẽn về giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận