Sáng 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tới nay đã có 406 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó có 232 dịch vụ công dành cho DN.
Từ ngày 12/5, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, bao gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
"Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Cụ thể ngay trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó bởi đại dịch Covid-19, Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã nhận được phản ánh về hành vi trục lợi, khai gian".
Theo số liệu thống kê, tính tới thời điểm này, Cổng dịch công đã nhận được 96 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của DN gửi về nhưng có tới 63 hồ sơ chưa đúng và đủ thủ tục. Qua đây, ông Dũng tiến độ xử lý còn rất chậm. “Chúng ta đã có quy trình thực hiện hỗ trợ với thời hạn thẩm định chỉ trong 2 ngày đối với cấp tỉnh, 3 ngày đối với cấp huyện thế nhưng không biết bao giờ chính sách mới tới được đối tượng cần hỗ trợ?’, vị Bộ trưởng đặt vấn đề.
Lý giải tình trạng chậm chễ trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ với DN và người lao động, bà Trần Thị liễu, Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐ,TB&XH) cho hay: “Tới nay vẫn chưa có hướng dẫn kê khai báo cáo tình hình tài chính của DN theo mẫu rút gọn. Bộ LĐ, TB&XH lại không được tham gia trực tiếp trong quá trình xử lý hồ sơ nên không biết tắc nghẽn ở đâu? Theo đúng quy trình, khi nhận được hồ sơ, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ chuyển về cấp huyện; Sau khi thẩm định cấp huyện lại chuyển về Cổng rồi chuyển về tỉnh để lập danh sách và ra quyết định hỗ trợ”.
Trước câu trả lời trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chất vấn: “Cơ quan chủ trì mà nói vậy nếu tôi là DN thì không biết hỏi ai? …Tới giờ vẫn bảo chưa có hướng dẫn thì làm sao lấy được tiền?”
Trả lời câu hỏi trên, bà Liễu thông tin: “Ngay sau khi Nghị quyết 42 Chính phủ được triển khai, Bộ LĐ, TB&XH đã thiết kế biểu mẫu báo cáo tài chính rút gọn để DN làm thủ tục xin hỗ trợ. Tuy nhiên do không phải chuyên ngành nên Bộ LĐ,TB&XH không thể đơn phương đưa mẫu riêng; Do đó đã gửi văn bản sang Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định. Mặc dù đã ấn định thời hạn trả lời chậm nhất trước 10h ngày 8/5 nhưng tới nay Bộ Tài chính vẫn chưa có câu trả lời”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận