Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thanh tra công vụ ngay cán bộ có điều tiếng

01/01/2020, 07:13

"Ngay tại Văn phòng Chính phủ, khi có thông tin rằng một cán bộ nào đó có biểu hiện sách nhiễu… chúng tôi lập tức tiến hành thanh tra công vụ".

img
Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Ba năm qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, ban hành nhiều Nghị định, quyết định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Vậy đến thời điểm này, môi trường đầu tư đã được cải thiện thế nào, còn những rào cản nào, vướng mắc gì ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước? Báo Giao thông trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhằm làm rõ hơn vấn đề này.

“Cùng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi?”

Tinh thần quyết liệt của Thủ tướng truyền tới chúng tôi và các Bộ, ngành nên chúng tôi sẵn sàng đương đầu thử thách, khó khăn, sẵn sàng đưa ra ngoài những người không chịu đổi mới.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp việc, tham mưu Thủ tướng đưa ra những quyết sách quan trọng, trong ba năm qua, Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng có áp lực gì, thưa ông?

Trách nhiệm là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Thủ tướng trong công cuộc cải cách, chúng tôi luôn tập trung nghiên cứu, giúp Thủ tướng với thông điệp cải cách thực chất, dám đương đầu với những bất hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi phải giúp Thủ tướng đôn đốc kiểm tra các nhiệm vụ, phối hợp điều phối các nhiệm vụ của Thủ tướng. Khi tham mưu với Thủ tướng về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chồng chéo trong quản lý Nhà nước, các vấn đề liên quan đến tháo gỡ vướng mắc cho người dân, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi phải tạo được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương để làm tốt vai trò Thủ tướng giao. Công việc của Tổ công tác vô cùng khó khăn và nhạy cảm. Trước đây, có lần tôi đến kiểm tra một Bộ, có vị Bộ trưởng nói: “Anh là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng nhưng anh cứ đến kiểm tra, phê bình tôi”. Tôi nói kiểm tra là chức năng của Tổ công tác được Thủ tướng giao, tôi không được phê bình anh nhưng tôi chuyển lời của Thủ tướng tới anh vì Bộ của anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả những vấn đề xã hội bức xúc, hay biểu dương đơn vị nào làm tốt, phê bình đơn vị nào làm chưa tốt, Thủ tướng đều truyền đạt qua Tổ công tác.

Với sự quyết liệt của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã làm được rất nhiều việc. Nếu so sánh thời điểm tháng 10/2016, Chính phủ nợ đọng 25,2% các nhiệm vụ thì tới nay chỉ còn 2,13% . Đặc biệt, năm 2019 chỉ còn xấp xỉ 2%, đã giảm 23%, đó là một thành công rất lớn.

Cắt giảm hơn 3.600 điều kiện kinh doanh, gần 6.800 thủ tục chuyên ngành

Thông điệp xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ này là cải cách và đổi mới. Tuy nhiên, với cả “rừng” thủ tục đã tồn tại nhiều năm qua, khi thực hiện, ông thấy thế nào?

Khi Thủ tướng giao nhiệm vụ kiểm tra thủ tục hành chính từ ngày 8/7/2017, chúng tôi phát hiện “rừng” thủ tục ấy đã “bám rễ” nhiều năm rồi. Chúng tôi phải nghiên cứu, bóc tách từng vấn đề, nội dung, từ đó chúng tôi tham mưu với Thủ tướng cắt giảm thủ tục kinh doanh. Tới nay, chúng ta đã cắt bỏ 3.645/6.196 điều kiện kinh doanh; loại bỏ 6.776/9.926 thủ tục chuyên ngành. Loại bỏ 30/120 bộ thủ tục hành chính.

Khi Ngân hàng Thế giới đánh giá cải cách kiểm tra chuyên ngành như kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu đã tiết kiệm thời gian kiểm tra hồ sơ từ 58 giờ xuống 55 giờ. Với 5,8 triệu bộ hồ sơ xuất khẩu đã tiết kiệm được 17 nghìn giờ, tiết kiệm được 6.300 tỉ đồng. Một ví dụ khác là: Một cái ra đa nhập khẩu về Việt Nam cả Bộ GTVT và Bộ TT&TT đều quản lý. Bộ GTVT cho rằng, rada lắp vào tàu biển thì rada do Bộ GTVT quản lý, góc độ chuyên ngành thì Bộ TT&TT kiểm soát tất cả các thiết bị thu phát sóng.

Sau đó, chúng tôi tham mưu với Chính phủ là cả 2 Bộ không phải kiểm tra chuyên ngành. Tất cả do hải quan đảm nhận chức năng kiểm tra sau thông quan. Nếu lắp tàu biển thì Bộ GTVT quản lý, nếu lắp trên các phương tiện khác thì Bộ TT&TT quản lý. Cách làm đó vẫn đảm bảo sự quản lý Nhà nước, đồng thời thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ông từng đi kiểm tra nhiều về cải cách thủ tục hành chính, có câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất?

Ví dụ, ngày 23 Tết Âm lịch năm 2018, doanh nghiệp xuất nhập khẩu liên tục phản ánh tình trạng hàng phế liệu nhập về cảng không thể thông quan được. Ngày 24 Tết năm đó, có 24 nghìn container đang nằm tại cảng Hải Phòng. Khi tôi kiểm tra thực tế trở về, báo cáo với Thủ tướng hủy bỏ Thông tư 01 của Bộ TN&MT liên quan đến quy trình kiểm tra, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã cảm kích nói Thủ tướng đã trao cho doanh nghiệp một món quà, động lực rất lớn để tiếp tục hoạt động.

Tinh thần quyết liệt của Thủ tướng truyền tới chúng tôi và các Bộ, ngành nên chúng tôi sẵn sàng đương đầu thử thách, khó khăn, sẵn sàng đưa ra ngoài những người không chịu đổi mới. Ngay tại Văn phòng Chính phủ, khi có thông tin rằng một cán bộ nào đó có biểu hiện sách nhiễu, đòi chia chác phần trăm dự án… chúng tôi lập tức tiến hành thanh tra công vụ, xem xét vị trí công tác của người đó ngay.

Nhiều người dân doanh nghiệp cho rằng dù đã cải cách quyết liệt nhưng đôi khi cải cách vẫn hình thức chưa đi vào thực chất, vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. Điều này có đúng không, thưa ông?

Cải cách là cả một quá trình, chúng ta luôn phải đương đầu, nỗ lực. Như tôi đã nói, thủ tục hành chính có những “rừng thủ tục” đã ăn sâu, bám rễ luồn lách trong các văn bản. Ví dụ điều kiện kinh doanh khi bãi bỏ lại tạo ra quy định điều kiện, tiêu chuẩn được luồn lách tại các văn bản khác. Đáp ứng kỳ vọng của người dân doanh nghiệp hay chưa thì hoàn toàn chưa. Có những Bộ tuyên bố cắt bỏ điều kiện nhưng lại không đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn. Khi cắt giảm điều kiện ở nghị định nhưng lại đưa nó vào thông tư. Những điều đó khiến người dân, doanh nghiệp thấy rằng chưa được “cởi trói”.

Thời gian qua kỷ luật hành chính tại một số cơ quan cũng chưa nghiêm dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân. Đúng là có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” tại một số cơ quan khi mà vẫn còn hiện tượng cán bộ hạch sách, vô cảm với người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta đã làm được rất nhiều.

Năm 2019 phải tốt hơn năm 2018

Năm 2019, khi đi vào thời gian cuối của nhiệm kỳ, Chính phủ đặt yêu cầu phải “bứt phá” để hành động mạnh mẽ hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn. Vậy nhìn lại năm 2019, ông thấy yêu cầu “bứt phá” đã đạt những kết quả nổi bật nào?

Ngày 30/12/2018, khi dự hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói: “Năm 2019 phải tốt hơn năm 2018”. Vậy tới đây, chúng ta phải báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước những gì đã làm được.

Có thể nói, những kết quả mà chúng ta làm được trong thời gian qua là rất đáng tự hào. Điển hình là tình trạng nợ công đã giảm rõ rệt. Nếu như nợ công 2017 là 61,3% thì tới năm 2018 là 58,4% và năm 2019 còn 56,1%. Nợ Chính phủ chỉ còn 50% và nợ nước ngoài 46% GDP. Chỉ số lạm phát trong 3 năm liền dưới 4%, đặc biệt năm nay dưới 3%. Năm nay liên tiếp 12 chỉ tiêu hoàn thành và vượt. Thu FDI năm nay có thể đạt 38,2 tỷ USD. Tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 7,02% .

Từ năm 2016 tới nay, chúng ta luôn xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, vì dân. Thực tế nhiều kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đều đã được Thủ tướng, Chính phủ lắng nghe và giải quyết rất kịp thời, hiệu quả.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nhiều cán bộ đảng viên ở các cấp, trong đó có không ít cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khởi tố do vi phạm trong quản lý điều hành. Chính phủ rút ra bài học gì qua những vụ việc như vừa qua?

Một số vụ việc, vụ án vừa qua liên quan đến quản lý tài sản công, tham nhũng, lãng phí. Việc một số cán bộ trong đó có cả cán bộ cấp cao thực thi pháp luật không đúng, vi phạm pháp luật đã bị xử lý.

Để ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật trong cán bộ, tại các văn bản, Thủ tướng luôn đặt vấn đề các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nêu gương đảng viên gương mẫu, chống tham nhũng, tuân thủ quy định pháp luật.

Năm 2020 sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, trong đó công tác Đảng, công tác cán bộ được xem là rất quan trọng, có yếu tố quyết định. Chính phủ đã chuẩn bị gì cho sự kiện đặc biệt quan trọng này?

Công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng được triển khai trong toàn Đảng, các cơ quan nhà nước. Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo tới các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm túc các bước chuẩn bị cho kỳ đại hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.