Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ VN theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao kiểm điểm tình hình thực hiện, rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo nhiều giải pháp hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa
Đối với các dự án thành phần đang thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông lập, thẩm định, tham mưu phê duyệt và triển khai thực hiện hoàn thành các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện tốt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thành phần, hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe.
Đối với Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kiểm toán, quyết toán đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án thành phần và hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư rà soát, tham mưu từng bước đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và đầu tư nâng cấp các đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác, Bộ trưởng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN làm tốt công tác này, triển khai các giải pháp bền vững hóa công trình, bảo đảm yêu cầu thoát lũ, bảo vệ các hệ sinh thái và cảnh quan môi trường.
"Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông và thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các trạm dừng nghỉ, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được phê duyệt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Trước đó, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 63 về chủ trương tiếp tục đầu tư các đoạn tuyến còn lại của đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến 2025.
Theo đó, Nghị quyết xác định tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai và cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thành 2 dự án thành phần, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận để đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng QL32, QL21.
Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Nghị quyết 44/2022/QH15.
Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, thực hiện chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022 và năm 2023 theo quy mô cao tốc, làm cơ sở để huy động nguồn vốn, sớm đầu tư khi cân đối đủ nguồn lực.
Quốc hội cũng yêu cầu chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở một số đoạn, tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại của các dự án, các tuyến đã đầu tư ở khu vực Tây Nguyên, nhất là di dời các trạm thu phí, giải quyết về đền bù quyết toán, chống lấn chiếm hành lang.
Theo Nghị quyết số 66/2013 của Quốc hội đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km.
Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km đạt hơn 86% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Đang triển khai 211 km, còn lại khoảng 171 km chưa thực hiện.
Giai đoạn từ năm 2000 đến 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011 nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013 của Quốc hội.
Từ thực tế trên, Chính phủ đã đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai. Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Giai đoạn 2021 - 2025 triển khai hoàn thành các dự án đang đầu tư và khởi công mới 2 dự án thành phần nối thông tuyến quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư 22.276 tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí được hơn 16.700 tỷ đồng.
Để đảm bảo cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư 2 dự án thành phần ưu tiên là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ để bố trí đủ 4.450/5570 tỷ đồng cho 2 dự án này.
Giai đoạn 2025-2030, trong kế hoạch triển khai và nhu cầu vốn đầu tư của các dự án trong giai đoạn này sẽ cân đối trong tổng nhu cầu kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận