Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên hội trường Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình một số vấn đề "nóng" liên quan đến ngành, đã được các ĐBQH đề cập.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, trong đó có những vấn đề khắc phục cần có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
"Là Bộ trưởng, tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực"
Liên quan đến bức xúc của dư luận trong vấn đề thi cử, Bộ trưởng Nhạ nhắc lại quan điểm phải tiến tới đổi mới tổ chức thi và xét tốt nghiệp phổ thông theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh và làm cơ sở xét tuyển ĐH, cao đẳng trong cả nước.
Và Bộ GD-ĐT đã thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra là từ 2015- 2020 theo hướng một kỳ thi trước hết đánh giá được năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT, sau đó làm cơ sở cho các trường ĐH, cao đẳng xét.
“Đây là kỳ thi chúng tôi cân nhắc rất nhiều” – ông Nhạ nói.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết qua các năm, rõ ràng nhìn lại thì mục tiêu giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội đã được chứng minh tương đối rõ. Nhiều bà con, học sinh rất đón nhận phương án này.
Về tính khách quan, trung thực thì đổi mới qua hình thức thi trắc nghiệm nên tỉ lệ quay cóp giảm rất nhiều so với trước kia, không còn những vụ tiêu cực như Đồi Ngô, Phú Xuyên.
“Còn độ trung thực, đã thi cử phải trung thực, nhưng theo chúng tôi quan sát, kỳ thi nào cũng vi phạm, và vấn đề là khắc phục đến mức tối đa” – Bộ trưởng Nhạ nói và chia sẻ, năm vừa rồi là năm bộc lộ điều này rõ ràng nhất và Bộ đã xử lý. Khi xảy ra hiện tượng có dấu hiệu sai phạm, Bộ đã báo cáo ngay Thủ tướng, Phó Thủ tướng, và chỉ đạo ngay. Cùng với Bộ Công an đã vào cuộc, chỉ đạo rất rõ là phải làm đến nơi đến chốn, rõ, nghiêm minh.
“Bộ Công an đã phối hợp với chúng tôi, làm rất rõ, các đối tượng sai đến đâu xử đến đấy. Đến nay đã phát hiện chính thức, xử lý 11 người. Tinh thần là sai là xử, và xử nghiêm theo đúng quy chế” – Bộ trưởng thông tin và nói thêm: “Cá nhân tôi là Bộ trưởng, tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực”.
Cũng theo ông Nhạ, sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã rà soát lại toàn bộ quy trình thi và chấm thi, khắc phục một số khâu còn bất cập.
Ngoài ra, trong nội bộ Bộ GD-ĐT cũng có chỉ đạo họp kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, để rút kinh nghiệm cho kỳ sau.
Ông Nhạ cho rằng, phải kiên định mục tiêu đổi mới, vì quá trình từng năm cải thiện tốt hơn, nếu có bộc lộ khó khăn thì xử lý.
“Năm tới chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng, tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết. Mục tiêu ra đề thi bám sát trình độ, kiến thức phổ thông, trong đó có phân hóa mức độ cần thiết, trên cơ sở chất lượng phổ thông này các trường đại học và cao đẳng sử dụng để xét tuyển đầu vào” – ông Nhạ nói.
Độc quyền là do trước đây Nhà nước giao cho 1 NXB
Liên quan đến vấn đề SGK, Bộ trưởng Nhạ giải thích, nghị quyết 40 của Quốc hội là chúng ta đổi mới SGK, thời đó kết luận có một SGK được sử dụng trong cả nước, vì bàn giao cho Bộ GD- ĐT biên soạn, như vậy theo luật xuất bản thì tôn chỉ mục đích nhà xuất bản trực thuộc Bộ nào thì bộ ấy chỉ đạo, tập trung. Do vậy Bộ GD-ĐT giao việc biên soạn và biên tập, chỉnh lý, in ấn phát hành trong Nhà NXB giáo dục, vì thế cái độc quyền theo hướng đây nhà nước giao cho 1 nhà xuất bản.
Về bất cập, ông cho rằng, vì là một bộ SGK nên chưa khai thác được trí tuệ của các ngành, tầng lớp, do vậy Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình có một số SGK để khắc phục điểm này. Tuy nhiên ở nước ta cũng rất khó khăn.
“1 bộ SGK trong bối cảnh của chúng ta như vừa rồi thì quản lý cũng phức tạp. Tới đây 1 chương trình, 1 số SGK có thể dẫn đến tình trạng là có 1 số sách không phải NXB nào cũng có hoặc trình độ không đồng đều, giáo viên các vùng miền tham gia giảng dạy cũng khác nhau”- ông Nhạ nói.
Cho rằng mỗi phương án có điểm thuận và không thuận, song Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, đợt đổi mới lần này chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản, trước kia đổi mới từ SGK, dựa vào SGK, còn bây giờ thiết kế dựa vào chương trình tổng thể, theo từng môn học. Và từ chương trình ấy mới viết SGK.
Khi thiết kế SGK tạo cơ hội để cho các thầy cô sáng tạo về mặt phương pháp và linh hoạt vùng miền vì thiết kế chương trình đúng 80% là khung thống nhất toàn quốc gia còn 20% là đặc điểm vùng miền chuyên biệt, địa phương, tạo sự linh hoạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận