Phương án xử lý tắc nghẽn cửa ngõ phía Đông TP HCM sẽ trình lên Bộ trưởng Đinh La Thăng vào giữa tháng 4 này |
Chiều nay (3/4), Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín về việc xử lý tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng tại khu vực cửa ngõ phía Đông - Bắc T.P Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, ùn tắc giao thông xảy ra không chỉ nghiêm trọng đối với khu vực cửa ngõ này mà còn ảnh hưởng tới cả khu vực các tỉnh lân cận. Nguyên nhân do 2/5 cảng lớn của TP là Trường Thọ và Cát Lái tăng trưởng quá nhanh, khiến giao thông quá tải.
Cảng Trường Thọ hiện công suất lên tới 55.000 tấn hàng hóa/ngày, gấp 5 lần quy hoạch. Trung bình mỗi ngày có từ 3.000-4.000 lượt xe tải trọng lớn vào cảng xếp dỡ hàng, trong khi đoạn đường số 1 - xa lộ Hà Nội là đường độc đạo ra vào cảng chỉ có chiều rộng 13m, dài 600m, dẫn đến ùn ứ kéo dài đến tận Bình Thái và Thủ Đức.
TP HCM đã có văn bản xin ý kiến Bộ GTVT cho di dời cảng ra ngoài nội đô. Ngày 24/12/2014 Bộ đã có văn bản thống nhất, xong hiện tiến độ thực hiện chậm.
Với cảng Cát Lái, hiện phương tiện vận chuyển hàng hóa thông qua cảng cũng phải đi qua xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định vào Cát Lái. Quy hoạch cảng đến năm 2015 là 46,6 triệu tấn hàng hóa thông qua, song 2014 đã đạt xấp xỉ quy hoạch này và 3 tháng đầu 2015 sản lượng đã tăng thêm 15%. Trục đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định đang là khu vực để các xe này đậu đỗ chờ vào Cát Lái, làm ách tắc giao thông.
TP HCM kiến nghị Bộ GTVT thống nhất thời gian thực hiện di dời cảng Trường Thọ xong trong năm 2016. Thành phố sẽ chỉ đạo các ban ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ các phương án di dời.
Trên địa bàn TP HCM, hiện có 3 trạm thu phí của thành phố và 5 trạm của Bộ GTVT. Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP HCM kiến nghị Bộ GTVT đồng ý để xây dựng thu phí liên thông không dừng qua cả 8 trạm trên địa bàn để tăng lưu thông.
Phương án giao thông cho phương tiện ra vào Cát Lái, Trường ThọThọ sẽ được giải quyết rốt ráo |
Theo ông Tín: “5-6h chiều khu vực từ Cát Lái ra đến xa lộ Hà Nội, và từ cầu Phú Mỹ đến Cát Lái, giao thông tê liệt do mật độ quá dày. 90% lưu lượng nằm trên đường là xe tải và xe container. Giờ cao điểm mà có tới 400-500xe/gi vào Cát Lái dẫn đến quá tải nghiêm trọng”.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần phải giải quyết tận gốc, thật căn cơ tình trạng ùn tắc này. "Hàng hóa qua các cảng của TP HCM hàng năm vẫn tăng trưởng, nếu chặn ở Cát Lái, hàng sẽ đi đường nào? Di dời cảng Trường Thọ thì di dời đi đâu? Nếu bây giờ đóng cảng Trường Thọ, hàng sẽ đi đường nào? Anh bịt chỗ này nó tắc chỗ khác, vì hàng hóa vẫn rất lớn như thế. Trong khi năng lực sà lan chở container đủ chưa, chỉ mỗi Tân Cảng có Sà lan trung chuyển container", Bộ trưởng nêu vấn đề.
Theo Bộ trưởng, ách tắc nghiêm trọng từ tháng 3/2014 lại đây, do tốc độ tăng trưởng hàng container khá cao, tại khu vực TP HCM là hơn 14%. Khu Tân Cảng cũ đang đầu tư cải tạo, tất cả hàng lại dồn vào cảng Trường Thọ.
Có thể tính phương án điều tiết giảm bớt hàng vào cảng. Song chỉ giảm 10-15% và phân loại xe container đi đường sông để bớt áp lực. Giờ cao điểm thì không cho xe vào cảng nữa và đẩy nhanh dự án đường vành đai 2, vành đai 3 lên.
Theo hướng này, Bộ trưởng chỉ đạo giao cho Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu tổng thể, giải quyết ách tắc giao thông cho khu vực cửa ngõ Đông – Bắc TP HCM và giải quyết bài toán giao thông cho hàng hóa khu vực cảng Cái Lái, Trường Thọ.
“Lưu lượng hàng hóa như vậy, thì vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ như thế nào, cần làm rõ, thật cụ thể. Cùng với đó, cần phải đầu tư gì, TP HCM làm gì, Bộ GTVT làm gì, 15/4 này phải có báo cáo đầy đủ”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhất trí với đề xuất của TP HCM về đề xuất thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận