Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với báo chí tại hành lang quốc hội về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Thưa Bộ trưởng, rất nhiều ý kiến lo lắng việc đầu tư CHK quốc tế Long Thành sẽ gây áp lực lên nợ công và là quá sức với "sức khỏe" nền kinh tế hiện nay. Ông có thể nói rõ hơn phương án huy động vốn để thực hiện dự án này?
Khi xây dựng Dự án, chúng tôi đã tính đến việc sẽ cố gắng sử dụng rất ít tiền ngân sách. Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn như giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống kết nối giao thông khu vực cảng, nơi làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước, đài chỉ huy... mà theo tính toán sơ bộ khoảng 21.849 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1.
Số tiền còn lại sẽ huy động từ xã hội, theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn 47.859 tỷ đồng, chiếm 29,1%, doanh nghiệp sẽ vay lại vốn ODA của Chính phủ sử dụng cho các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu và trang thiết bị phục vụ bay... và phải tự trả nợ (tương tự như đã triển khai với nhà ga T2 Nội Bài và T2 Tân Sơn Nhất). Khoản cuối cùng, cũng là lớn nhất, khoảng 92.648 tỷ đồng, chiếm 56,3% sẽ huy động khu vực ngoài Nhà nước (vốn doanh nghiệp, hợp tác công - tư...) để đầu tư các hạng mục có khả năng thu hồi vốn nhanh như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa...
Như vậy, nếu theo phương án này, việc tăng nợ công quốc gia do thực hiện dự án (chủ yếu từ các khoản vay và khả năng hoàn trả vốn vay ODA), theo đánh giá sơ bộ là không lớn. Với mức vốn vay ODA khoảng hơn 2 tỷ USD cho giai đoạn 1, theo cơ chế Chính phủ cho doanh nghiệp vay lại, thì tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là rất thấp (đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019), dự kiến năm 2022 mới chỉ vào khoảng 0,091%.
Trong khi đó, tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của dự án có thể tới 22,1%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%), vì vậy dự án có khả năng trả nợ tốt. Thực tế cũng đã chứng minh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính khả quan, doanh nghiệp vay lại vốn ODA từ Chính phủ luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn (cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Nội Bài).
Mô hình một góc CHK quốc tế Long Thành |
Trước những phản biện về dự án thời gian qua, Bộ trưởng có suy nghĩ gì?
Tôi đánh giá rất cao thái độ trách nhiệm của người dân, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tin báo chí đối với dự án CHK quốc tế Long Thành. Điều này thể hiện sự tiến bộ nhiều mặt trong đời sống chính trị, kinh tế của đất nước chúng ta. Về phía Bộ GTVT, chúng tôi luôn lắng nghe một cách chăm chú, cầu thị và cảm ơn những ý kiến đóng góp cho dự án.
Để tiếp tục giảm phần vốn ngân sách Nhà nước cấp cho giai đoạn 1a, Bộ đang kiến nghị cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được sử dụng khoản thu từ cổ phần hóa để thu xếp khoảng 5.000 tỷ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Nếu được chấp thuận, ngân sách Nhà nước cho riêng giai đoạn 1a sẽ chỉ vào khoảng 6.076,9 tỷ đồng (5,1%).
Cảm ơn Bộ trưởng!
Thanh Bình (Thực hiện)
CHK quốc tế Long Thành dự kiến được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, hình thành CHK quốc tế nhằm hỗ trợ việc quá tải cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm, kinh phí đầu tư dự tính là 7,837 tỷ USD (164.589 tỷ đồng). Giai đoạn 2, nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa một năm, kinh phí đầu tư 3,818 tỷ USD. Giai đoạn 3, nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa một năm, kinh phí đầu tư 7,061 tỷ USD. Tổng kinh phí đầu tư cho cả 3 giai đoạn của dự án vào khoảng 18,7 tỷ USD (khái toán). Để giảm mức đầu tư kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, giai đoạn 1 của Dự án được kiến nghị chia thành các giai đoạn 1a và 1b. Giai đoạn 1a - Xây nhà ga chính có một nhánh trung tâm, một đường cất hạ cánh, công suất 17 triệu khách/năm. Giai đoạn 1b - Xây hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai. (Trích Báo cáo của Chính phủ) |
Ngày mai, Quốc hội thảo luận về dự án CHK quốc tế Long Thành Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII, chiều mai (4/11), QH sẽ thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án CHK quốc tế Long Thành. Chiều cùng ngày, QH cũng thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Trong tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp, QH sẽ thảo luận về Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi); Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi)... Bình Minh Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: Phương án huy động vốn cho Long Thành là khả thi Dự án đầu tư CHK quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 3 giai đoạn lên tới 17-18 tỷ USD đòi hỏi một nguồn lực cực lớn, do vậy yêu cầu hiệu quả trên cả khía cạnh KT-XH và tài chính là tiêu chí quan trọng nhất. Đối với hiệu quả KT-XH, bài toán của chúng ta phải giải là kinh tế vùng Đông Nam bộ, phía Nam, thậm chí của cả nước chuyển động ra sao trước và sau khi có CHK quốc tế Long Thành? Với hiệu quả tài chính, phải đánh giá khả năng sinh lời, khả năng trả nợ, dòng tiền cho dự án từ nay đến năm 2030… Về phương án huy động vốn cho dự án này, tôi đánh giá cao phương án Chính phủ đề xuất. Chẳng hạn giải pháp Chính phủ vay ODA rồi cho doanh nghiệp vay lại. Trong điều kiện kinh tế đang xuất hiện những tín hiệu hồi phục, tái cơ cấu nhiều lĩnh vực chủ chốt đang từng bước phát huy hiệu quả, nợ công theo tính toán của Chính phủ sẽ giảm dần từ trên 64% GDP năm 2016 xuống khoảng 60% GDP vào năm 2020. Do vậy, chúng ta vẫn còn dư để đầu tư cho dự án CHK quốc tế Long Thành. Ngoài vốn ODA, còn cần vốn tín dụng. Với dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện khoảng 4-5 triệu tỷ đồng - tương đương với quy mô GDP của đất nước, việc dành 10-15 tỷ USD (200- 300 ngàn tỷ đồng) trong thời gian 10-15 năm cho dự án hoàn toàn nằm trong khả năng của hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh tổng cầu còn yếu, nếu một lượng tín dụng như trên được giải ngân, chắc chắn sẽ là một cú hích lớn cho không chỉ hệ thống ngân hàng mà còn cho nhiều lĩnh vực liên quan và từ đó kích thích sự phát triển cả nền kinh tế. Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng thêm các nguồn vốn khác như vốn thặng dư từ cổ phần hóa, bán một số dự án hạ tầng như Chính phủ đề cập. Theo các phương án này, việc huy động vốn cho dự án CHK quốc tế Long Thành như đề xuất của Chính phủ là khả thi và không gây áp lực lớn lên nợ công nếu suất đầu tư dự án được chứng minh là đúng đắn, hiệu quả và dự án được quản lý, giám sát chặt chẽ. Xuân Thu (Ghi) Bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội Hà Nội: Cần đặt dự án trong quy hoạch tổng thể Dự án CHK quốc tế Long Thành là dự án lớn, rất cần cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi cho rằng, ngoài đánh giá hiệu quả dự án, những tác động tới nợ công, cần xem lại quy hoạch của Tân Sơn Nhất, của Long Thành, đặt trong tổng thể quy hoạch chung không chỉ của giao thông mà còn của nhiều lĩnh vực khác. Đứng ở góc độ là một thành viên UB Khoa học công nghệ môi trường của QH, tôi còn quan tâm tới dự án ở một khía cạnh ít người đề cập. Theo nghiên cứu dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cả bốn sân bay hiện nay tại miền Nam đều nằm trong vùng có nguy cơ ngập đó là TP HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau. Như vậy việc đầu tư một sân bay ở Long Thành (Đồng Nai) cũng có thể là cần thiết với tầm nhìn dài hạn. Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN: Tân Sơn Nhất mở rộng sẽ tạo xung đột bay trên không Với một CHK, không gian hoạt động bên trên rộng hơn rất nhiều. Nếu mở rộng Tân Sơn Nhất với quy mô lớn gấp rưỡi hoặc gấp đôi hiện nay, chắc chắn sẽ tạo ra xung đột giao thông trên không với sân bay quân sự Biên Hòa (cách Tân Sơn Nhất 30 km). Đây là sân bay quân sự chiến lược không thể di dời. Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP HCM: Mở rộng gấp đôi công suất CHK Tân Sơn Nhất sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị TP Việc mở rộng gấp đôi công suất CHK Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời, tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải sẽ vượt xa tiêu chuẩn cho phép. Khả năng thiết lập được hệ thống giao thông kết nối gần như không có. Sẽ ùn tắc giao thông trên diện rộng. Mặt khác, nếu mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ hạn chế rất lớn đến việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị của thành phố do bị khống chế về tĩnh không.
P.V (Ghi)
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận