Lời tòa soạn:
Chia sẻ với phóng viên trước thềm Xuân mới Bính Thân 2016, khi vẫn còn ở cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, điều tâm đắc nhất với ông trong những năm tháng làm tư lệnh ngành là đã có cơ hội để được thể hiện tình cảm, bản lĩnh, năng lực của mình với sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, cải thiện việc đi lại của nhân dân thuận tiện và an toàn hơn. Còn điều Tư lệnh ngành Giao thông chưa hài lòng là vẫn còn những việc quan trọng chưa làm được, chẳng hạn như tham vọng về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khiến ông luôn cảm thấy như còn mắc nợ với nhân dân.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn đặc biệt của ông dành cho độc giả của Báo. Kính chúc ông một năm mới nhiều thành công trên cương vị mới: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh.
(Bài viết được đăng tải trên giai phẩm báo in Xuân Bính Thân của Báo Giao thông)
Ủy viên Bộ Chính trị, tân Bí thư thành ủy Tp Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Chưa bao giờ chọn giải pháp “an toàn”
Những năm trước, mọi người nói rất nhiều đến các quyết định trảm tướng của Bộ trưởng Thăng, nhưng năm nay Bộ trưởng lại...“gác kiếm”. Điều này dường như “trái” với phong cách điều hành của Bộ trưởng? Liệu có phải do năm cuối của nhiệm kỳ và yếu tố chính trị khiến Bộ trưởng “chùn tay”?
Tôi không đồng tình với cách nhìn nhận như vậy. Với tôi, thi hành kỷ luật cán bộ cấp dưới là biện pháp cuối cùng phải dùng đến, luôn là quyết định khó khăn khi mà vì hiệu quả công việc, vì lợi ích của số đông, không còn cách nào tốt hơn. Việc thi hành kỷ luật luôn có nhiều hình thức, trong khi thuật ngữ mà dư luận thích dùng là “trảm tướng” được hiểu là hình thức cách chức. Nhưng dù dưới hình thức nào thì trước hết cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định mang tính nguyên tắc của Đảng và pháp luật, với mục đích siết chặt kỷ luật, củng cố sự nghiêm minh và đề cao trách nhiệm cá nhân trước công việc chung, trước tính mạng nhân dân và tài sản của Nhà nước, hiệu quả răn đe cao. Có lẽ nhờ những biện pháp mạnh như vậy thời kỳ đầu nhiệm kỳ mà suốt giai đoạn dài về sau tôi không phải sử dụng đến hình thức ấy nữa, hoặc có thì cũng rất ít.
Trong năm nay, Bộ trưởng từng có một phát biểu rất quyết liệt về vấn đề mất cắp tại sân bay, trong đó chỉ thẳng: “Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo chưa cảm thấy nhục, chưa cảm thấy xấu hổ về việc mất cắp đó, nên còn vô cảm, coi đây là việc của nhà hàng xóm... Từ nay đến cuối năm, nếu nạn trộm cắp hành lý tại sân bay không giảm thì tôi sẽ xử lý các Giám đốc Cảng vụ Hàng không...”. Thực tế, chưa có "tướng" nào bị trảm, liệu có phải tình hình đã được cải thiện hay việc trảm tướng là việc khó với Bộ trưởng vào thời điểm này?
Rõ ràng tình hình tại các sân bay đã tốt lên, tiếp tục tốt lên rất nhiều nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ sau khi tiếp thu phản ảnh từ hành khách. Chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ quá trình cải thiện này qua các kênh thông tin khác nhau để sẵn sàng đưa ra những xử lý tiếp theo, không loại trừ bất cứ biện pháp nào.
Bộ trưởng có cho rằng, năm cuối nhiệm kỳ cùng với thời điểm cận kề Đại hội Đảng có thể khiến các Bộ trưởng thiên về chọn giải pháp “an toàn”, thay vì sự quyết liệt, đột phá?
Tôi không thể trả lời thay các Bộ trưởng khác được. Còn với cá nhân tôi thì đó là điều chỉ nên nói cho vui. Tôi là người hay nghĩ nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có trong đầu những ý nghĩ như vậy.
Đối với ngành Hàng không, các sự cố dù nhỏ cũng uy hiếp đến an toàn bay (Trong ảnh: Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp theo dõi quá trình hạ cánh của chiếc tàu bay gặp sự cố xẹp lốp ngày 8/1/2016) - Ảnh: Nhật Anh |
Vẫn còn những việc quan trọng phải gác lại
Một nhiệm kỳ của các Bộ trưởng sắp sửa khép lại. Nhìn lại chặng đường vừa qua, Bộ trưởng tâm đắc nhất với điều gì và đâu là điều Bộ trưởng chưa hài lòng?
Điều tôi tâm đắc nhất là đã có cơ hội để được thể hiện tình cảm, bản lĩnh, năng lực của mình với sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, cải thiện việc đi lại của người dân thuận tiện và an toàn hơn. Điều tôi chưa hài lòng là vẫn còn những việc quan trọng chưa làm được, do lực bất tòng tâm, chẳng hạn như tham vọng về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là điều tôi luôn day dứt và cảm thấy là món nợ lớn với nhân dân cả nước.
Nhìn lại nhiệm kì vừa qua, nhiều người cho rằng, Bộ trưởng đã làm được nhiều việc và nhiều lĩnh vực của ngành đã có những chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, với vấn đề xe quá tải, dù người dân đã thấy những phát biểu mạnh của Bộ trưởng, nhưng tình hình vẫn còn rất nan giải, thậm chí không ít xe quá tải hoành hành ngay tại Thủ đô, còn tại các địa phương đã có nhiều xe quá tải đi xuyên nhiều tỉnh mới bị bắt. Bộ trưởng nói gì về điều này?
"Điều tôi tâm đắc nhất là đã có cơ hội để được thể hiện tình cảm, bản lĩnh, năng lực của mình với sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân. Điều tôi chưa hài lòng là vẫn còn những việc quan trọng phải gác lại, do lực bất tòng tâm, chẳng hạn như tham vọng về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Với cương vị hiện nay, tôi luôn cảm thấy đây là món nợ lớn với nhân dân cả nước.Tác phong suy nghĩ, làm việc, ra quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về mọi quyết định của mình đã hình thành nên phong cách, khí chất của tôi từ rất lâu và đã ổn định (tức là rất khó thay đổi) trước khi tôi được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ GTVT." Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Mọi người hẳn đều biết, hiện tượng xe quá tải đã tồn tại từ lâu nhưng chưa thu hút được mối quan tâm của xã hội nên có rất ít biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Bạn cứ thử lùi thời gian lại khoảng 4-5 năm trước đây mà xem, khi đó thậm chí vấn đề xử lý xe quá tải, quá khổ còn chưa thực sự được đặt ra một cách nghiêm túc. Giờ đây, để chữa một căn bệnh kinh niên như vậy, không thể chỉ một vài năm mà có thể giải quyết xong. Sau 3-4 năm thực hiện quyết liệt, số lượng xe quá tải đã giảm tới hơn 91% và tôi cho rằng đây là kết quả rất khả quan. Nếu không có nỗ lực chung của các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương, sẽ không thể có kết quả đó. Tôi tin rằng, tiếp tục nỗ lực toàn diện như thời gian qua, tình trạng xe quá khổ, xe chở quá tải sẽ sớm chấm dứt.
Với lĩnh vực rất nhạy cảm của ngành Giao thông là lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng còn chưa hài lòng ở điểm nào nhất?
Thực tế là lĩnh vực hàng không của chúng ta đang có những tiến bộ rõ ràng. Trong Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Hàng không Việt Nam đã sánh vai được với bạn bè quốc tế”. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào về ghi nhận đó của người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói, so với đòi hỏi của lãnh đạo Bộ và nhất là của hành khách, thì chất lượng nhiều dịch vụ hàng không nói chung còn phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa mới đáp ứng được.
Trong một cuộc họp tổng kết của ngành Hàng không năm trước, Bộ trưởng cho rằng, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng bất thường là một trong những kỷ lục không muốn giữ. Trong năm 2015 vẫn còn nhiều hành khách phàn nàn về vấn đề này, thưa Bộ trưởng?
Trong khai thác hàng không có những vấn đề không giống như hình dung của nhiều người bên ngoài. Chúng ta vẫn thường nghe tin cả một chuyến máy bay bị chậm chỉ vì một con chuột, vì một đàn chim di cư, vì có ai đó say rượu, vì ai đó đau tim và ngay cả chỉ là một lời nói đùa hay dọa có bom… Những chuyện như vậy không thành vấn đề gì với các loại hình vận tải khác, nhưng với hàng không thì đã rất nghiêm trọng, đe dọa an toàn bay. Đấy là chưa kể những sự cố rất khó lường hay các diễn biến bất thường của thời tiết. Việc chậm, hủy chuyến là điều xảy ra với mọi hãng hàng không trên thế giới, vì những lý do như vậy. Nói thế không phải để bao biện cho việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam hiện vẫn đang xảy ra, mà để thấy, giải quyết triệt để vấn nạn đó là vô cùng khó, thậm chí bất khả thi. Chỉ cố gắng để giảm thiểu tối đa. Vì thế, ngoài các biện pháp quyết liệt như Bộ GTVT đã áp dụng như trong thời gian qua và bước đầu được dư luận đánh giá tốt, chúng tôi rất cần có sự hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ thường xuyên của hành khách và toàn xã hội.
Hệ thống đường sắt Bắc - Nam tuy đã được cải tạo, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đời sống xã hội (Trong ảnh: Tàu thống nhất qua cầu Sông Vệ, Quảng Ngãi mới được thay thế) - Ảnh: Ngô Vinh |
Cần xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Nhìn lại 5 năm qua, dường như ngành Giao thông luôn là tâm điểm chú ý của dư luận, luôn luôn nóng bỏng. Liệu có phải cách nói, cách hành động của Bộ trưởng làm ngành Giao thông trở nên nóng bỏng hay bản thân ngành chứa đựng những vấn đề có sức nóng?
Giao thông thuộc nhóm nhu cầu thiết yếu nhất của con người, cùng với nhu cầu ăn và ở. Giao thông tại Việt Nam càng có lý do để trở thành vấn đề người dân quan tâm hàng ngày bởi nó có xuất phát điểm quá thấp, bởi nó gắn chặt với phát triển, cải thiện điều kiện đời sống và sự an toàn của họ. Chúng ta lại đang nỗ lực hiện đại hóa đất nước và hội nhập với thế giới, vì vậy không chỉ trong nước mà quốc tế cũng có lý do để chú ý đến sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam. Bằng chứng là Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) định kỳ đưa ra đánh giá xếp hạng như mọi người đã biết. Ngần ấy mối quan tâm thì bất cứ vấn đề nào cũng trở nên là vấn đề nóng, chứ chẳng riêng giao thông.
Về phần mình, tôi chỉ cảm thấy sức nóng của công việc phải giải quyết hàng ngày.
Đâu sẽ là những vấn đề lớn của ngành Giao thông trong 5 năm tới, thưa Bộ trưởng?
Theo tôi, sẽ vẫn là những vấn đề lớn của 5 năm qua. Đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hóa các công trình đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng; Đó vẫn sẽ là tập trung huy động các nguồn lực xã hội và nỗ lực giảm thiểu TNGT. Với nước ta, những vấn đề ấy là những vấn đề mà thời gian tính bằng thập kỷ chứ không thể kết thúc trong một nhiệm kỳ.
Bộ trưởng đã từng chia sẻ về tâm huyết làm được đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, triển khai hệ thống logistics… Công việc sau một nhiệm kỳ có thể thấy vẫn còn bề bộn, những dự định, trăn trở cũng còn không ít?
Tôi vừa trả lời bạn, đó là những vấn đề của nhiều thập kỷ tiếp theo. Nhu cầu thì có rồi nhưng còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của đất nước và nguồn lực thực tế của từng thời kỳ. Giai đoạn vừa qua, nguồn ngân sách chỉ đủ để giải quyết một nửa mong muốn của chúng ta, còn lại phải huy động vốn từ xã hội, đành phải tạm bằng lòng dừng ở mức những công trình thiết yếu nhất. Với địa hình như Việt Nam, để giải quyết triệt để vấn đề thông thương một cách tiết kiệm và an toàn trên lãnh thổ đất nước, trước sau chúng ta cũng phải thắt lưng buộc bụng để xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tôi luôn trăn trở về điều này.
Sau 5 năm ở vị trí tư lệnh ngành Giao thông, Bộ trưởng có lúc nào muốn tự “chỉnh” lại phong cách, khí chất làm việc của mình?
Tác phong suy nghĩ, làm việc, ra quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về mọi quyết định của mình đã hình thành nên phong cách, khí chất của tôi từ rất lâu và đã ổn định (tức là rất khó thay đổi) trước khi tôi được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ GTVT.
Một trong những cải cách mà ngành Giao thông đã đi tiên phong trong những năm qua là thi tuyển lãnh đạo. Theo Bộ trưởng, đã đến lúc có thể thi tuyển hoặc có cách thức để có thể chọn được Bộ trưởng giỏi?
Phải có rất nhiều quyết tâm, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo và dư luận xã hội, chúng tôi mới có thể tổ chức thành công thi tuyển lãnh đạo đến cấp Tổng Cục trưởng. Theo tôi, đây đã là một đột phá lớn về chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Tôi nghĩ, cùng với những cải cách sâu rộng, việc tạo ra cơ chế chọn người lãnh đạo có năng lực, có phẩm chất sẽ được tiếp tục với nhiều hình thức phong phú hơn và ở những cấp cao hơn, phù hợp với đòi hỏi của đất nước và mức độ phát triển của xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận