Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề của ngành được ĐBQH quan tâm vào sáng 27/10 |
Quốc hội vừa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Trong đó, thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đạt được kết quả cải thiện khá rõ nét. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Giao thông về những công việc đã làm thời gian qua. Bà Tiến cho biết:
Từ năm 2013, toàn ngành y tế triển khai mạnh mẽ Đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách làm việc của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp đến là giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Và đặc biệt là ứng dụng nhiều kỹ thuật tiến bộ, tiên tiến ngang tầm quốc tế trong khám chữa bệnh. Việc này không chỉ dừng lại ở tuyến T.Ư mà chuyển giao cho cả tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Tất cả những nỗ lực đó là để giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, đã có khoảng 37/39 bệnh viện tuyến T.Ư ký cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép trên 24h sau khi nhập viện.
Ngành Y tế đã thay đổi rất nhiều
Nói như bà thì trong những năm qua, chất lượng khám chữa bệnh đã “thay da đổi thịt”?
Đúng vậy, đã thay đổi nhiều lắm. Ngày xưa thì bệnh nhân không hài lòng về bất cứ cái gì, đến bệnh viện thậm chí bệnh nhân còn “nói không ra gì”, bởi không ai chỉ dẫn, không gian bệnh viện chật chội, nhếch nhác. Rồi thái độ của nhiều cán bộ y tế không đúng mực.
Nhưng bây giờ, bệnh nhân vào bệnh viện phải được hướng dẫn, được chia sẻ, có chỗ ngồi rộng rãi, mát mẻ hơn. Những cái nhỏ nhất như giường bệnh, tủ đồ, ga trải giường… đều được thay đổi, đảm bảo vệ sinh để người bệnh không bị lây nhiễm bệnh… Thậm chí có nơi cán bộ y tế cúi chào bệnh nhân. Đó là những cái khác hẳn so với trước đây.
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh lãnh đạo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được 224 phiếu tín nhiệm cao, 197 phiếu tín nhiệm và 53 phiếu tín nhiệm thấp. So với lần lấy phiếu năm 2014, Bộ trưởng Tiến có số phiếu tín nhiệm cao nhảy vọt (năm 2014 bà Tiến được 97 phiếu tín nhiệm cao, 192 phiếu tín nhiệm thấp). |
Không ít người vẫn hoài nghi việc có thể thay đổi được thái độ của bác sĩ đối với bệnh nhân, bởi việc đưa - nhận phong bì đã trở thành "chuyện đương nhiên" khi vào viện, bà nghĩ sao?
Cách đây 5 năm, người dân đã quá bức xúc với dịch vụ y tế và không thể chịu đựng hơn được nữa.
Khi nhận nhiệm vụ, tôi tự nhủ “không thể để người dân khổ hơn được nữa”. Nhìn hình ảnh bệnh nhân đến khám mang theo con nhỏ phải ngồi nóng như thế, chật chội như thế, chờ đợi lâu như thế, thậm chí, có bệnh nhân phải nằm cả dưới đất… thì tôi thấy đã đến giai đoạn “không thể chịu đựng thêm”.
Vì thế, khi Bộ Y tế phát động triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” thì toàn ngành đều hưởng ứng, quyết tâm thực hiện.
Nhưng cũng có người nói “Thái độ, phong cách của cán bộ y tế thay đổi làm sao được”, vậy mà giờ rõ ràng đã khác, có những bệnh viện mà bệnh nhân vào không thể đưa được phong bì, thay vì trước đây sẽ “mặt nặng mày nhẹ” nếu bệnh nhân không đưa phong bì.
Để cán bộ từ bỏ nếp cũ, chúng tôi quán triệt trong câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện và họ cũng thấy rằng đã đến phải đổi mới. Đã có gần 10.000 cán bộ vi phạm bị kỷ luật thông qua những ý kiến phản ánh từ hòm thư góp ý, từ đường dây nóng hay những hình ảnh quay camera tại các bệnh viện…
Việc xử lý rất nhiều cán bộ như vậy có vấp phải ý kiến gì không, thưa Bộ trưởng?
Cái đó là thẩm quyền của các bệnh viện dựa vào thông tư hướng dẫn chứ bên trên không can thiệp gì. Nhưng quan điểm được quán triệt là cán bộ y tế mà không có trách nhiệm, bỏ mặc, quát tháo bệnh nhân, hoặc thậm chí có sai phạm như vòi vĩnh, đòi phong bì… thì sẽ bị xử lý, có thể phải chuyển công tác đi chỗ khác. Việc này được làm rất quyết liệt nên so với giai đoạn trước, thái độ làm việc của bác sỹ, y tá đã thay đổi rất nhiều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bên hành lang Quốc hội sáng 27/10 |
Dùng facebook chủ yếu cho công việc
Được biết, bà vẫn thường xuyên theo dõi phản ánh của người dân về chất lượng y tế qua facebook. Bà cũng là thành viên Chính phủ đầu tiên công khai dùng mạng xã hội. Bà thường chia sẻ gì trên facebook?
Facebook là trang cá nhân, người sử dụng thường có 2 mục đích là chia sẻ những việc riêng tư và chia sẻ với cộng đồng.
Facebook của tôi chủ yếu nói về công việc, về những nơi mình đã đi, những việc mình đã làm. Với tôi, công việc là chính, mọi niềm vui, nỗi buồn của tôi đều gắn với công việc, bởi vậy, những vấn đề riêng tư tôi ít chia sẻ trên facebook vì không có thời gian. Nếu có cũng chỉ là những chia sẻ về triết lý sống, về những vấn đề của đạo Phật để làm sao mình sống mạnh khoẻ và cân bằng, an nhiên tự tại giữa đời thường, cũng như kiểm soát được stress trong các vấn đề.
Với một chính khách, việc sử dụng facebook có chiếm quá nhiều thời gian? Và nó giúp gì cho bà trong công việc?
Tôi tận dụng mọi thời gian có thể, như khi ngồi trên xe hay những lúc ngồi đợi máy bay để vào mạng xã hội. Ngoài trang facebook cá nhân, tôi còn tham gia cả Fanpage của Bộ Y tế để chia sẻ kiến thức về chính sách, cập nhật thông tin về y tế hay các hoạt động trong ngành.
Qua hai trang này, tôi lắng nghe tất cả mọi chuyện tốt- xấu. Đặc biệt, với những thông tin không tích cực, tôi sẽ chỉ đạo anh em xử lý.
Trong số đó, cũng có không ít những thông tin đưa ra thất thiệt, vu khống và đầy ác ý nhưng tôi cho rằng, người làm công tác quản lý cần luôn lắng nghe, tiếp thu và làm việc đúng theo pháp luật.
9 tháng nhận 7.500 cuộc gọi qua đường dây nóng Theo báo cáo của Chính phủ về Kết quả triển khai Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế, thời gian qua, các bệnh viện đã nghiêm túc ghi nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân thông qua các kênh thông tin báo chí, hòm thư góp ý, đường dây nóng và kể cả các trang mạng xã hội… Báo cáo tổng hợp về phản ánh của người dân qua đường dây nóng 1900-9095 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã tiếp nhận 7.586 cuộc gọi đúng phạm vi xử lý của đường dây nóng, sau khi xác minh đã xử lý nghiêm khắc các cán bộ vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh gồm có 118 trường hợp bị khiển trách; 9 trường hợp bị điều chuyển sang bộ phận khác, 8 trường hợp được cho nghỉ việc, 63 trường hợp bị cắt thi đua, do có hành vi, thái độ không đúng mực... Cùng với đó, Bộ Y tế tích cực thực hiện đổi mới toàn diện ngành Y tế, đặc biệt là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Theo đánh giá độc lập, năm 2017 có 85,7% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế. |
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận