Đảm bảo an toàn, an ninh khi dùng căn cước
Sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp và đã có 16 đại biểu góp ý, tranh luận.
Trong đó, một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là lo ngại bị theo dõi khi sử dụng căn cước gắn chip, căn cước điện tử.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chip, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR, đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Theo đại biểu Phúc, như vậy là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Nhất trí với ý kiến này, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đề nghị Bộ Công an và ban soạn thảo quan tâm vì đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân.
Theo đại biểu Kim, mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, do đó đại biểu đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước. Đại biểu cũng nhất trí với tên Luật Căn cước như các đại biểu đã góp ý tại phiên họp.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân. Bộ Công an khẳng định sẽ đảm bảo an toàn, an ninh không để xảy ra tình trạng này.
Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Nhiều ý kiến về thu thập thông tin sinh trắc học
Tại cuộc thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về thu thập thông tin sinh trắc học.
Trong đó, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong chọn lựa thông tin cố định lưu trữ, mã hóa, tích hợp trong thẻ căn cước.
Đại biểu Nhung chỉ ra, theo dự thảo luật này, thông tin nhân dạng; Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; Nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ yếu); Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở và các mức độ định danh điện tử.
Tuy nhiên, bà Nhung cho rằng dự thảo luật không bổ sung quy định quyền yêu cầu cơ quan quản lý về căn cước cập nhật, điều chỉnh các thông tin kể trên.
Như vậy, công dân không có quyền và trách nhiệm chủ động đến cơ quan quản lý căn cước để cập nhật khi thông tin trong thẻ căn cước thay đổi, trong khi thông tin trong thẻ căn cước có nhiều thông tin động, thay đổi thường xuyên.
"Điều đó dẫn đến nảy sinh nhiều sai lệch thông tin trong giao dịch, khi công dân sử dụng thẻ căn cước, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức liên quan", đại biểu Nhung nói và cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong chọn lựa thông tin cố định lưu trữ, mã hóa, tích hợp trong thẻ căn cước.
Bổ sung thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) cho rằng, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm cần nhận dạng cố định.
Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) lại đề nghị chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân.
Sau đó, chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận