Y tế

Bộ trưởng Y tế: Ổ dịch Hải Dương vẫn phức tạp, khác với Đà Nẵng

19/02/2021, 12:18

Theo nhận định của Bộ Y tế, 12/13 địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, riêng Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp.

img

Bộ Y tế họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương sáng 19/2

3 nguyên nhân khiến dịch ở Hải Dương phức tạp

Ngày 19/2, Bộ Y tế họp trực tuyến với 26 tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Theo số liệu được ghi nhận, hai ổ dịch ở Hải Dương và Đà Nẵng có nhiều điểm khác biệt. Số mắc mới tại Hải Dương 575 ca vượt xa so với Đà Nẵng 389 trường hợp. Số mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên ở Hải Dương là 20 ca/ngày so với Đà Nẵng chỉ 15 ca/ngày.

Dịch xảy ra ở Đà Nẵng trong 36 ngày, lây lan ra 15 tỉnh, thành phố, truy vết hơn 11 nghìn F1, thực hiện hơn 384 nghìn xét nghiệm Covid-19.

Tại Hải Dương, dịch từ ngày 25/1, lây lan ra 13 tỉnh, thành phố, truy vết 14 nghìn F1, thực hiện hơn 135 nghìn xét nghiệm.

Trong 2 tuần đầu tiên thì số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương không rõ xu hướng và đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn.

Nhận định về diễn biến phức tạp tại vùng dịch Hải Dương, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, nguyên nhân do dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra ở tại các khu công nghiệp có lượng công nhân rất lớn; Biến chủng virus tại Hải Dương là biến chủng Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây ra dịch bệnh tại Đà Nẵng (biến thể Châu Âu D614G).

Hơn nữa dịch bệnh lại diễn ra trong thời điểm trước và trong Tết nên diễn biến càng phức tạp, khó lường.

Với biến thể virus mới phải chặn dịch, chứ không đuổi theo dịch

Theo ông Long, đến nay, 12/13 địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Riêng Hải Dương cần tăng cường kiểm soát, Bộ Y tế tiếp tục chi viện cho Hải Dương.

Mặc dù vậy, ông Long nhấn mạnh: “Tất cả các địa phương không được chủ quan, lơ là, và không được nghĩ dịch không xảy ra trên địa phương mình, ví như Gia Lai tưởng là khu vực an toàn nhưng vẫn xảy ra dịch…

Có vậy mới chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh. Các địa phương cần chủ động chuẩn bị các kịch bản khi bùng phát dịch, xảy ra trên địa bàn”.

Qua thực tế, ông Long lưu ý, có 4 điều các địa phương cần nghiêm túc thực hiện để sẵn sàng phòng chống dịch. Thứ nhất, chuẩn bị kịch bản cho cách ly với F1. Quan điểm của bộ phải cách ly triệt để F1 để tránh nguồn lây nhiễm, chặn dịch trong cộng đồng. Chính vì vậy, yêu cầu các địa phương rà soát các khu vực có thể dùng để cách ly và các kịch bản cách ly từ nhu yếu phẩm, nhân lực…

Trong cách ly phải phối hợp chặt chẽ với quân đội, vì tại khu dân sự còn chưa nghiêm và có xảy ra lây nhiễm chéo.

Thứ hai là việc dựa vào cộng đồng để quản lý từng hộ dân, nắm rõ người đến người đi....

Thực tế, các địa phương chưa coi trọng công tác này, tuy nhiên khi dịch xảy ra thì đây là giải pháp rất quan trọng, mang tính quyết định.

Thứ ba là các địa phương phải chuẩn bị phương án và kịch bản xét nghiệm (đáp ứng theo yêu cầu, máy móc, nhân sự được tập huấn về lấy mẫu điều hành, điều phối xét nghiệm)… “1-2 địa phương xảy ra dịch, Bộ Y tế còn có thể chi viện nhưng cùng lúc nhiều địa phương xảy dịch thì rất khó. Khi xảy ra dịch cần tổ chức xét nghiệm trên diện rộng mới ngay lập tức chặn được nguồn lây. Nhất là với biến thể mới này phải chặn dịch chứ không đuổi theo vì càng đuổi theo càng đuối”, ông Long nói.

Ông Long cũng nhấn mạnh, điều thứ 4 là các địa phương cần chuẩn bị phương án điều trị, trong tình huống phát hiện ổ dịch, các ca bệnh.

Với các cơ sở y tế phải liên tục làm sàng lọc. Các địa phương dù chưa có dịch không chủ quan trong sàng lọc, kiểm soát dịch vì phát hiện càng sớm, dập dịch càng nhanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.