Xã hội

Bộ Y tế thừa nhận không khả thi nhưng vẫn cấm

24/07/2014, 08:11

Chiều 23/7, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo làm rõ các vấn đề đã và đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, xung quanh dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia ...

Các quán bar thường bán rượu, bia sau 22h
Các quán bar thường bán rượu, bia sau 22h


Cấm để thay đổi thói quen


Như Báo Giao thông phản ánh, sau khi Bộ Y tế xây dựng dự thảo luật phòng, chống tác hại rượu, bia dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về các “lệnh” cấm rượu, bia được đề xuất trong dự thảo luật trong đó hầu hết ý kiến đều cho rằng khó khả thi. Làm rõ hơn vấn đề này, bà Trần Thị Trang  - Phó cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, quy định cấm bán rượu, bia sau 22h đưa ra căn cứ cơ sở thực tiễn về những tác hại của rượu gây ra; cơ sở pháp lý theo Quyết định 224/QĐ  - TTg về Chính sách phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020… đồng thời, cũng căn cứ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. 
 

Năm 2012, viện phí đã tăng ở một số bệnh viện trực thuộc các bộ, Trung ương và tại 45/63 tỉnh. Năm 2013, viện phí tiếp tục tăng tại 17/63 tỉnh, thành. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 14 địa phương tiếp tục trình UBND, HĐND điều chỉnh giá dịch vụ y tế và từ 1/6, đã có TP HCM tăng giá viện phí.

Và dự thảo cũng đưa ra 3 phương án để cơ quan chức năng, người dân góp ý, trong đó phương án thứ nhất là không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22h đến 6h tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ. Phương án hai giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Và phương án còn lại là: Chưa quyết định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật. 

Theo bà Trang, ngay khi đưa ra quy định này, Bộ Y tế đã tính đến tính khả thi, đã xây dựng các biện pháp cũng như trách nhiệm thực hiện, như: Tổ chức truyền thông vận động người dân và các cơ sở kinh doanh thực hiện quy định trong 6 tháng, sau đó mới kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, bà Trang cũng thừa nhận, việc điều chỉnh những thói quen, hành vi có liên quan đến nếp văn hóa của cả thế hệ, của một quốc gia là việc làm không dễ, cần có lộ trình. 

“Hãy nhanh chân mua Bảo hiểm y tế”


Về vấn đề điều chỉnh tăng viện phí, ông Nguyễn Nam Liên  - Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho hay, từ nay đến 2018, giá dịch vụ y tế sẽ tăng dần theo từng năm để tính dần đủ các yếu tố về tiền lương, khấu hao tài sản cố định, chi phí để vận hành và đảm bảo hoạt động của bệnh viện. Mục đích của việc nâng giá dịch vụ y tế  là vừa nâng cao quyền lợi của người bệnh (có thẻ BHYT) vừa giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. “Tăng viện phí sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khoảng 70% dân số đã có thẻ BHYT, tuy nhiên lại tác động lớn đến 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Vì vậy, người dân nên tham gia BHYT, vì điều này có lợi cho mọi người. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp mua BHYT tự nguyện, người dân chỉ bỏ ra khoảng 620.000đ/năm để mua thẻ, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng” - Ông Nam Liên khuyến cáo.


Trước phản ánh sau những đợt tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh hầu như không tăng, ông Nam Liên cũng thừa nhận và lý giải, nếu không tiếp tục tăng viện phí, thực trạng xếp hàng chờ khám, quá tải, quá tải, nằm ghép giường còn diễn ra triền miên và thậm chí ở mức độ nặng hơn, vì các bệnh viện đang lỗ.

Vũ Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.