Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Y tế

Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh tình trạng kê đơn, tư vấn, bán sữa trong bệnh viện

Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh tình trạng kê đơn, tư vấn, bán sữa trong bệnh viện

20/04/2025, 17:32

Sau việc nhiều bệnh viện phát hiện sữa giả được tư vấn và bán đến tay bệnh nhân, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, chấn chỉnh, xử lý kịp thời vi phạm (nếu có).

Kiểm tra, xử lý việc kê đơn thuốc có sữa, TPCN

Ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký văn bản yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh tình trạng kê đơn, tư vấn, bán sữa trong bệnh viện- Ảnh 1.

Loại sữa được tư vấn, bán cho bệnh nhân tại Bệnh viện 108 này nằm trong danh sách sữa giả.

Theo Bộ Y tế, vừa qua xuất hiện thông tin nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn người bệnh, người nhà sử dụng các sản phẩm sữa được điều tra, phát hiện là giả; đồng thời cơ quan điều tra cũng phát hiện vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn…

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc và các thuốc được sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu có vi phạm).

Rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu có vi phạm).

Sau vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây, sản xuất, tiêu thụ sữa giả với gần 600 nhãn hiệu sữa, tại một số bệnh viện đã rà soát và phát hiện có tư vấn và bán sữa (có trong danh sách sữa giả) tới bệnh nhân; đơn cử: sữa Hapomil (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn), sữa Hofumil Gold Plus (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)...

Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nếu phát hiện hành vi trong khám bệnh, chữa bệnh như: Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc đối với các thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám chữa bệnh; Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi; Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức; Lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi; Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận...

Rà soát việc nhân viên y tế giới thiệu, bán sữa

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng… cho người bệnh, người nhà.

Rà soát, bảo đảm hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện thực hiện theo đúng quy của Bộ Y tế về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.

Kiểm tra, giám sát việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh Bộ yêu cầu xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm.

Trước đó, Báo Xây dựng đã có nhiều bài phản ánh về thực trạng sữa giả len lỏi vào các bệnh viện như "Sữa giả lọt bệnh viện và dấu hỏi đạo đức, trách nhiệm"; "Khoảng trống trách nhiệm từ vụ sữa giả, kẹo Kera"; "Thêm một sản phẩm sữa giả 'lọt' vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn"; "Những loại sữa nào trúng thầu và đang được bán tại Bệnh viện 108"; "Sữa Hofumil Gold Plus của công ty sản xuất sữa giả trúng thầu cung cấp cho Bệnh viện 108"...

Trong các bài viết, Báo Xây dựng đã phản ánh tình trạng bệnh viện được xem là một trong những kênh phân phối sữa "hái ra tiền", đặc biệt là sản phẩm sữa công thức. Các bài viết cũng phản ánh những lỗ hổng trong quản lý thị trường này, qua đó kiến nghị giải pháp ngăn chặn, xử lý như: Bắt buộc hậu kiểm thực tế sản phẩm và cơ sở sản xuất, lấy mẫu ngẫu nhiên từ thị trường và kiểm tra định kỳ tại nhà máy; Cải cách đấu thầu và giám sát bệnh viện; Xem xét hạn chế, thậm chí cấm các hãng sữa tiếp xúc trực tiếp với nhân viên y tế để quảng bá sản phẩm; Giám sát chặt các cửa hàng gần bệnh viện và kênh phân phối y tế, xử lý nghiêm bác sĩ, y tá nhận hoa hồng bất hợp pháp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.