Sớm thành lập Trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội về việc đôn đốc củng cố khoa Hồi sức tích cực và chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực điều trị Covid-19.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở BV Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng". Mục tiêu là nâng cao năng lực điều trị Covid-19, nhất là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tối đa số ca tử vong.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát, củng cố, đầu tư khoa Hồi sức tích cực hiện có hoặc nâng cấp thành lập mới khoa hồi sức tích cực từ khoa Nội, khoa Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, thực hiện chỉ đạo khẩn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị hết sức khẩn trương triển khai nhiệm vụ được phân công theo Đề án, chuẩn bị hệ thống oxy trung tâm, khí nén, khí hút, bồn chứa oxy… và giường bệnh hồi sức tích cực.
Đồng thời, bố trí, sắp xếp lại hoạt động các khoa, phòng theo phương án "bệnh viện chia đôi", dành khoảng 60% giường bệnh để tiếp nhận người bệnh điều trị thường quy, còn lại khoảng 40% giường bệnh sẵn sàng cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh Covid-19 (theo đặc thù phạm vi hoạt động chuyên môn và cơ sở hạ tầng của từng bệnh viện).
Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia đặt tại cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
6 ổ dịch Covid-19 tại Hà Nội
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.327 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.779 ca.
Ngõ 330 Nguyễn Trãi (P. Thanh Xuân Trung) phong tỏa toàn bộ vì dịch Covid-19
Đến hết ngày 1/9, Thủ đô có 6 ổ dịch phức tạp, với tổng 652 ca bệnh, bao gồm:
- Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng (bùng phát từ 24/8): 45 ca.
- Ổ dịch Tân lập (bùng phát từ 28/8): 14 ca.
- Ổ dịch Chợ Ngọc Hà (bùng phát từ 28/8): 16 ca.
- Ổ dịch Thanh Xuân Trung (bùng phát từ 23/8): 381 ca.
- Ổ dịch Văn Miếu (bùng phát từ 30/7): 107 ca.
- Ổ dịch Văn Chương (bùng phát từ 17/7): 89 ca.
Hiện ổ dịch Thanh Xuân Trung nóng nhất với số ca mắc vẫn tiếp tục ghi nhận. Tối 1/9, quận Thanh Xuân tổ chức di dời đợt một các hộ dân thuộc diện tình nguyện và trong khu vực nguy hiểm ra khỏi ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi. Các hộ dân sẽ được di dời đến ở tại ký túc xá của Đại học FPT, Hòa Lạc.
TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam nhận định, từ số liệu thu thập được, có thể thấy các F0 được phát hiện tại ổ dịch này chủ yếu gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, nhân viên bán hàng, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây. Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan một thời gian. Phân bố tuổi, giới của các ca nhiễm cho thấy đây là một chùm lây lan cộng đồng.
Hà Nội hiện rốt ráo các biện pháp mạnh nhất để kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong những ngày cuối của đợt giãn cách xã hội kéo dài suốt 1 tháng qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận