Núp bóng xe hợp đồng nhưng tham gia chở khách cố định, xe Limousine đang đẩy doanh nghiệp vận tải tuyến cố định vào nguy cơ phá sản |
Với tần suất hoạt động dày đặc, lại không mất phí bến bãi, không ai quản lý được số chuyến xe chạy trong ngày, xe Limousine núp bóng xe hợp đồng nhưng tham gia chở khách cố định đang đẩy doanh nghiệp vận tải tuyến cố định vào hoàn cảnh khó khăn, đối diện nguy cơ phá sản.
Cuộc đua không cân sức
Ngày 30/3, PV liên hệ đặt xe với tổng đài tư vấn và nhận khách của Hà Lan Limousine và được cung cấp thông tin hãng có xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và ngược lại từ 5h - 21h trên cả 3 lộ trình, tần suất 20 phút/chuyến. Trên trang web của nhà xe Minh Anh Limousine có 2 lộ trình chạy xe, tần suất 30 phút/chuyến, nhà xe NewStar Limousine có tần suất 30 phút/chuyến... “Xe xuất bến chạy từ 5h - 21h, tần suất 30 phút/chuyến, giá vé 120.000 đồng/khách chặng Hà Nội - Thái Nguyên, nếu đón ở sân bay thì thêm 20.000 đồng vé vào khu vực sân bay”, nhân viên trực tổng đài của NewStar Limousine cho hay.
Năm 2016, Công an huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã từng khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Chu Văn Phú về tội Trốn thuế. Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Đồng Hỷ, trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2015, Chu Văn Phú đã trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành Công ty Long Phượng khai thác vận chuyển hành khách tại hai tuyến liên tỉnh cố định: Tuyến Thái Nguyên - TP HCM, Thái Nguyên - Gia Lai đã không kê khai doanh thu, để ngoài sổ sách kế toán tổng số 120 chuyến xe vận chuyển hành khách liên tỉnh để trốn thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 389 triệu đồng. |
Nhẩm tính, với 2 nhà xe Hà Lan và NewStar có các xe chạy từ 5-21h, tần suất 30 phút/chuyến/tuyến với 3 tuyến hoạt động thì một ngày sẽ có 32 lượt xe chạy, tổng cộng khoảng 192 lượt xe chạy. Với mức giá 120 nghìn đồng/người như hiện nay, mỗi ngày doanh số của hai nhà xe Limousine này lên đến cả trăm triệu đồng.
Trong khi đó, theo tính toán của Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, nếu vào bến xe, các xe Limousine này phải chịu thuế bến bãi khoảng 12,8 nghìn đồng/lượt xe; hoa hồng bán vé khoảng 19,2 nghìn đồng/lượt xe. Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định phải chịu mức phí bảo hiểm hành khách chiếm 3% giá vé, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính bằng 5% doanh thu. Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ. Còn các xe Limousine, việc khai báo số lượng lượt chuyến xe đi/đến, số lượng hành khách phụ thuộc vào doanh nghiệp.
Nếu với mức thuế VAT không phải đóng (do xe Limousine không xuất vé); không mất phí bến và hoa hồng bán vé; nộp ít thuế thu nhập doanh nghiệp (vì nhà xe không khai báo lượt xe chạy nên cơ quan chức năng sẽ không tính được hết doanh thu); không mất phí bảo hiểm hành khách (3% trên tổng giá vé) do không xuất vé... thì một chiếc Limousine 8 chỗ có thể “né” thuế phí khoảng gần 200.000 đồng/chuyến. Tính ra số thuế, phí “né” được 1 năm lên tới cả chục tỷ đồng.
Ai là người thiệt thòi?
Theo ông Phạm Đăng Thiện Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải tỉnh Thái Nguyên, doanh thu vận tải theo dạng hợp đồng phải kê khai sau khi hợp đồng kết thúc. Nếu hợp đồng mà thu tiền từng khách hàng thì không kê khai được, vì không có phiếu thu, không có đối tượng hợp đồng, không thể xuất được hóa đơn. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự xác định doanh thu mà cơ quan quản lý Nhà nước không có căn cứ nào để biết được doanh nghiệp có kê khai hay không, hoặc kê khai thiếu doanh thu.
Tương tự, xe cố định quản doanh thu bằng cuống vé, xe Limousine không có cuống vé thì cũng không tính được doanh thu.
“Hiện Uber, Grab, xe hợp đồng trá hình, xe Limousine đang được lợi. Xe tuyến cố định thực hiện đúng các quy định đang thiệt thòi nhất. Công cụ quản lý cần tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, để đảm bảo lợi ích ba nhà song hành cùng nhau: Nhà nước quản lý được, không để mất thuế; doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng cùng có lợi; người dân được sử dụng dịch vụ vận tải chất lượng, an toàn”, ông Thiện đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Dương Đức Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Quảng Ninh cũng cho rằng, kể cả xếp xe Limousine chở khách tuyến cố định hay hợp đồng, cũng cần tuân theo những quy định như nộp thuế, đón trả khách đúng điểm quy định đã đăng ký; điều chỉnh giá cước… “Chỉ có môi trường công bằng, doanh nghiệp mới không ngại cạnh tranh. Doanh nghiệp vận tải tuyến cố định không ngại cạnh tranh nếu doanh nghiệp xe Limousine cùng đăng ký tuyến cố định, cùng đón trả khách tại bến đầu bến cuối, nhưng nếu doanh nghiệp cứ trá hình chỉ đăng ký hợp đồng mà chạy tuyến cố định rồi luồn lách khắp nội đô đón khách thì đó là cạnh tranh không lành mạnh”, ông Quang cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận